LỄ KỶ NIỆM 90 NĂM XÂY DỰNG NHÀ THỜ HỌ
VÀ GIỖ TỔ DÒNG HỌ TRẦN LÊ ĐẠI TÔN XÃ TRUNG LỄ, ĐỨC THỌ, HÀ TĨNH
Trần Quang Trung
Ngày 5 tháng 9 năm 2017 (tức ngày Rằm tháng Bảy Đinh Dậu) tại nhà thờ Tổ dòng họ Trần Lê Đại Tôn thôn Trùng Khánh, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra lễ kỷ niệm 90 năm khánh thành xây dựng nhà thờ và tổ chức cúng Rằm cho các thế hệ con cháu hậu duệ của dòng họ. Dự lễ có hàng trăm con cháu từ Hà Nội, Nghệ An và các nơi khác về, đặc biệt về dự lễ có đoàn Thường trực Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam do ông Đào Trần Quang Cát - Trưởng Ban, ông Trần Quang Trung - Phó ban, ông Trần Văn Giao, ông Trần Sỹ Thi - Ủy viên Thường trực. Tại buổi lễ có đội tế từ Yên Thành, Nghệ An vào càng làm cho ngày Rằm thêm nghiêm trang, cung kính. Sau lễ tế Tổ, ông Trần Văn Tân thay mặt cho Hội đồng gia tộc đã ôn lại những thành tựu mà con cháu hậu duệ của dòng họ Trần Lê Đại Tôn đạt được và trong 90 năm giữ gìn, bảo quản, tôn tạo nhà thờ được khang trang như ngày hôm nay.
Phát biểu trước bà con dòng họ, ông Đào Trần Quang Cát đánh giá cao sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất xây dựng dòng họ phát triển về mọi mặt, đặc biệt mô hình đóng góp quỹ cho dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam mỗi năm ba triệu đồng. Sau bài phát biểu ông Đào Trần Quang Cát đã tặng họ lá cờ dòng họ, một số sách “Thân thế, sự nghiệp Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn” và một số bản tin của dòng họ.
Để tìm hiểu rõ thêm về dòng họ Trần Lê Đại Tôn, xin được sơ lược đôi nét về lịch sử phát triển của dòng họ. Theo Phả tộc Trần Việt Nam thì cụ Trần Chân Tính (đời thứ 14 theo Phả tộc Trần Việt Nam), có con trai là cụ Trần Thiện Tâm (Yết Tâm và không ghi rõ là con thứ mấy). Cụ Trần Thiện Tâm lại sinh ra cụ Trần Minh Triết. Rồi cụ Trần Minh Triết sinh ra bốn người con trai (đời thứ 17 theo Phả tộc Trần Việt Nam):
1. Cụ Trần Đăng Như: con trưởng, thủy tổ họ Trần Lê Đại Tôn ở xã Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Như vậy cụ Như là đời thứ 17 theo Phả tộc Trần Việt Nam, còn gia phả họ Trần ở Trung Lễ để nguyên thủy tổ Trần Đăng Như là đời thứ nhất.
2. Cụ Trần Khắc Liễu: con trai thứ hai, ở xã Diễn Xuân, Diễn Châu, Nghệ An.
3. Cụ Trần Liễu Ngộ: con trai thứ ba, thủy tổ họ Trần ở Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An, có nhà thờ đồng thời thờ cụ Trần Thiện Tâm.
4. Cụ Trần Thế Lộc: con trai thứ tư, có nhà thờ ở xã Mã Thành, Yên Thành, Nghệ An, đồng thời nơi đây thờ cụ Trần Minh Triết.
Theo thông tin chưa đầy đủ (số liệu lấy từ năm 2014), những người con thành đạt tiêu biểu của dòng họ Trần Lê Đại Tôn xã Trung Lễ gồm: 01 anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân: Lê Thiệu Huy; 02 anh hùng lao động là Trần Văn Giao ngành Địa chất, Dầu khí (phong năm 1962, khi mới 23 tuổi) và Trần Lê Đông ngành Dầu khí (phong năm 2009).
Học hàm Giáo sư: GS Trần Văn Hữu, GS Lê Thước, GS Lê Mạnh Bính, GS Lê Triều Phong, GS Lê Xuân Diệm, đặc biệt trong đó gia đình cụ Lê Thước có ba GS gồm: bố GS Lê Thước, con GS Lê Triều Phong, con GS Lê Xuân Diệm.
Học hàm Phó Giáo sư: PGS Trần Ngọc Tính; nhà giáo ưu tú TS Trần Lê Thọ.
Học vị Tiến sỹ: TS Lê Phi Hoàng, TS Lê Mạnh Hải, TS Lê Quốc Hưng, TS Trần Mạnh Thắng, TS Trần Ngọc Tính, TS Trần Lê Đông. (Tổng hợp mới nhất có 24 tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư, trong đó có 3 là nữ).
Thạc sỹ: Ths Trần Minh Tiếp, Ths Trần Văn Hòe, Ths Trần Mạnh Hùng, Ths Trần Mạnh Quang, Ths Trần Thế Kỷ, Ths Trần Nam Trung.
Cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang: Chín người có cấp hàm Đại tá quân đội đó là: Trần Mạnh Đàn, Trần Mạnh Hồng, Trần Văn Kỳ, Trần Văn Nam, Trần Cao Định, Trần Lê Cẩm, Trần Ngọc Trung, Trần Văn Quang, Trần Đức Hòa và một người cấp hàm Thượng tá công an nhân dân: Trần Văn Hòa.
Với ý chí và nghị lực kiên cường, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, cháu Trần Văn Cường vào mùa tuyển sinh Đại học năm 2014 đã đỗ thủ khoa Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và Á khoa Đại học Y Hà Nội, cuối cùng cháu chọn ngành y để thực hiện ước mơ của mình. Trong ba cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược thì họ Trần Lê Đại Tôn có 33 người con đã anh dũng hy sinh (chống Pháp:15 người, chống Mỹ: 17 người và chống quân Polpốt: 01 người). Đó là những người con làm rạng danh dòng họ Trần Lê Đại Tôn xã Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Để thực hiện quy định của họ, hàng năm các đinh (con trai) của họ phải đóng mỗi đinh 10.000đ (mười nghìn đồng). Số tiền này được sử dụng để phục vụ việc hương khói của nhà thờ họ trong năm. Hoạt động của con cháu hậu duệ của dòng họ Trần Lê Đại Tôn luôn được quan tâm và duy trì nghiêm túc và đi vào nề nếp, cứ đến Rằm tháng Bảy hàng năm khi có điều kiện bà con ở các khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ đều tổ chức gặp mặt thể hiện tình cảm luôn hướng về cội nguồn Tổ tiên.
Phải thừa nhận rằng đây là dòng họ có ý thức về Tổ tiên rất sâu sắc nên đã ghi chép tương đối tỷ mỷ về các đời từ thủy tổ Trần Đăng Như trở về sau. Ngay từ đầu xuân năm 1927, tại buổi họp họ đã thống nhất quyết nghị 3 việc cơ bản sau đây:
Một là: Thống nhất hợp tự, tập trung nhà thờ riêng các phái lại để xây dựng nhà thờ chung cho toàn họ gọi là Đại Tôn từ đường, gồm ba gian thượng đường, ba gian hạ đường, hai nhà cầu hai bên tả hữu bằng gỗ mít, dổi, lợp ngói, xây tường, sân gạch, có đủ các loại tự khí phương tiện hoàn chỉnh.
Hai là: Đặt tên họ là Trần Lê Đại Tông (Tôn).
Ba là: Thiết lập Tôn đồ thế phả và định ra một số quy ước chung cho toàn họ.
Tiếp đó có sự phân công sưu tầm Tôn đồ thế phả từ đời thứ nhất đến đời thứ 12 bằng chữ Hán, tổ chức sổ trường sinh để nghi chép số con cháu mới sinh xin vào họ.
Năm 1965-1969 cụ Giải nguyên, Giáo sư Lê Thước có soạn thảo bản thế phả họ Trần Lê Đại Tôn và được ông Lê Trọng Huyến em ruột cụ Thước đánh máy bằng chữ quốc ngữ.
Đầu xuân năm 1978, khởi điểm công tác biên soạn này do tự phát của tiểu phái cụ Trần Văn Bình (thuộc chi Giáp Tứ phái thế Tổ Trần Huy Quả) dịch thế phả về Tôn đồ tiểu phái bằng chữ quốc ngữ đưa ra trình họ tại cuộc họp tôn trưởng (nhân ngày Rằm tháng Giêng). Ngay tại cuộc họp này họ đã hoàn toàn nhất trí cử ra một ban sưu tầm, biên soạn thế phả cũ để viết và vẽ Tôn đồ chung cho toàn họ Đại Tôn cũng như riêng mỗi phái bằng chữ quốc ngữ nhằm giúp cho con cháu sau này dễ xem, dễ hiểu và đời đời được tiếp tục bổ sung.
Ghi chú: Đời thứ 6 (từ đời Trần Đăng Như) có ông Trần Đôn Cung lấy hai bà vợ, bà cả họ Đào sinh được hai con trai Trần Khắc Vọng và Trần Khắc Trịnh; vợ thứ là bà Lê Thị Thiều con gái út ông Lê Gia Tân. Bà hai sinh được một người con trai thì ông Cung qua đời, bà bồng con trai thơ ấu về bên ngoại nương nhờ. Sau một thời gian bà Thiều tái giá với chồng họ Nguyễn cố cháu Lù (nay con cháu cố là Nguyễn Hữu Thành ở đội 8), bà Thiều sinh thêm một con trai nữa thì ông chồng họ Nguyễn chết, bà đưa con về nhà ngoại và đặt tên cho con ông Cung là Lê Công Tuần và con chồng họ Nguyễn là Lê Hữu (thể lệ thời Lê được đạt tên con theo họ mẹ). Năm niên hiệu Gia Long thứ 11 (1812) bà Thiều đã 94 tuổi nên lập phân thư chia tài sản cho hai con. Năm âý ông Lê Công Tuần đã chết, con trai ông Tuần là Lê Công Phú ký tên vào bản phân thư “Thừa nhận phần của cố phụ Lê Công Tuần”, ông Lê Hữu ký tên tiếp sau “Thừa nhận kỷ phần” ký tên Lê Hữu. Hiện nay trong tộc Phả cố cháu Lù đã đổi tên ông Lê Hữu thành Nguyễn Hữu. Sở dĩ con cháu phái Lê Công không đổi được tên họ từ Lê sang Trần từ đời ông Lê Dụ đi thi đậu cử nhân, quyển thi ghi rõ ba đời: ông nội Lê Công Tuần, cha đẻ Lê Công Phú, bản thân Lê Dụ.
Tất cả sổ sách quan tịch trong triều đều ghi rõ họ tên ba đời là Lê, vì vậy không thể thay đổi họ gốc như ông Lê Hữu được, mặc dù con cháu họ Lê Công chính gốc là họ Trần. Trong danh sách những người con tiêu biểu của dòng họ Trần Lê Đại Tôn có họ Lê gốc Trần là vậy.
21/05/2024 : | MỘT CÔNG TRÌNH TÂM LINH CÓ Ý NGHĨA |
04/04/2019 : | LỄ DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM 629 NĂM NGÀY SINH VÀ 590 NĂM NGÀY MẤT TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN |
18/06/2018 : | ĐỀN CỬA (XÃ NGHI KHÁNH, HUYỆN NGHI LỘC): DẤU ẤN LINH THIÊNG SÁNG NGỜI TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC |
09/05/2018 : | GIỖ TỔ HỌ TRẦN THÀNH PHỐ THANH HÓA |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 160 |
Tổng truy cập: 1367816 |