CẦN PHẢI TÔN TRỌNG LỊCH SỬ
TRẦN NGUYÊN TRUNG
TG: Sau khi bài viết “Một tờ báo xuyên tạc lịch sử vương triều Trần” được đăng tải, tôi đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi cả trong và ngoài dòng họ. Đa số ý kiến của bạn đọc ủng hộ bài viết và đề nghị Ban biên tập báo ANTĐ cải chính thông tin sai lệch và có lời xin lỗi công khai đến bạn đọc và con cháu họ Trần cả nước.
Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn và mong muốn biết rõ ai là người sáng tạo ra nhân vật "Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ".
Để giúp bạn đọc và bà con họ Trần hiểu rõ sự thật về nhân vật “lịch sử sáng tạo” này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây.
…Năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày sinh của danh nhân lịch sử Trần Thủ Độ (1194-1994), Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH VN) đã phối hợp với Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở VHTT&DL) tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc Hội thảo “Trần Thủ Độ- con người thời Trần”.
Tại cuộc hội thảo này, lần đầu tiên, cụ Dương Quảng Châu (là một lão nông, quê Thái Bình, vốn là cộng tác viên Ban nghiên cứu lịch sử- Sở VHTT&DL tỉnh Thái Bình) công bố thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Trần Hoàng Nghị đại vương, khiến nhiều đại biểu tham dự không khỏi ngỡ ngàng, sửng sốt. Trong đó có các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử quê hương Thái Bình.
Điều đáng lưu ý, các tài liệu của cụ Dương Quảng Châu công bố tại hội thảo chủ yếu dựa vào một số tư liệu điền dã được ghi chép lại qua lời truyền khẩu của một số người họ Trần sinh sống tại làng Mẹo ở thế kỷ XX kể lại và một bức bài vị mới làm, đặt ở miếu cây đa (còn gọi là miếu Ông) cạnh cánh đồng thôn Phương La, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có nội dung: “Phụng đại vương Thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị đồng tứ vị phu nhân” (nghĩa là phụng thờ vị đại vương Thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị cùng bốn bà vợ).
Cụ Châu không hề trích dẫn ra được bất cứ tài liệu lịch sử chính thống nào như: Thư tịch cổ, Văn bia, Sắc phong, Thần tích, Thần phả...để chứng minh Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, nên không có giá trị khoa học và không đủ sức thuyết phục.
Qua theo dõi các tài liệu của cụ Dương Quảng Châu lý giải về thân thế, cha mẹ, anh em của Trần Thủ Độ chứa nhiều mâu thuẫn. Lúc thì cụ cho rằng, Trần Hấp là bố đẻ của Trần Hoàng Nghị “Trần Hấp sinh ra 2 người con trai là Trần Lý và Trần Hoàng Nghị” (Bài Trần Thủ Độ với Thái Bình-1995);
Cũng có khi cụ lại nói rằng, Trần Hoằng Nghị là em trai Trần Hấp: “Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, Trần Mẽ, Trần Quả (tức Trần Hoàng Nghị)” (Bài Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần-2004)… khiến cho độc giả như bị sa vào một trận đồ bát quái, không tìm được lối ra.
Do các tài liệu của cụ Dương Quảng Châu đưa ra không đủ luận cứ khoa học và tính xác thực nên không được các nhà khoa học chấp thuận.
Câu chuyện về Trần Hoằng Nghị bắt đầu “nóng” lên kể từ khi bộ 3: GS Vũ Khiêu, ông Nghị Dương Trung Quốc, PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Hội KHLSVN) phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “Đức Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử-văn hóa Phương La” tại Hà Nội (tháng 1-2007).
Bản tham luận trung tâm của PGS-TS Nguyễn Minh Tường báo cáo tại hội thảo đã gây chấn động bởi đưa nhiều thông tin rất mơ hồ, thiếu tính khoa học, phi lịch sử.
Cụ thể: ông đã bịa đặt “Hai làng bên cạnh (thôn Phương La-TG) là Xuân La và Trác Dương đều thờ cụ (Trần Hoằng Nghị) làm thần Thành hoàng. Trong sắc phong của 2 thôn, tên Hoằng Nghị đại vương đều được ghi là Trang Nghị đại vương”.
Trớ trêu thay, sách Địa chí Thái Bình (tập 2) lại ghi rất rõ: “Trang Nghị đại vương ở đình làng Xuân La là thiên thần, không phải nhân thần. Vị thiên thần này có công âm phù cho tên tướng giặc Cao Biền (Trung Quốc) sang xâm lược, đô hộ nước ta (khoảng năm 862), được vua Đường Ý Tông (833-873) phong cho là thượng đẳng phúc thần, cách Trần Thủ Độ (1194-1264) khoảng 400 năm.
Kiểu suy luận vô căn cứ, phi lịch sử của PGS-TS Nguyễn Minh Tường đã bị nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử chỉ trích, phê phán.
Theo nhận xét của các đại biểu tham dự hội thảo cho biết, cuộc hội thảo này mặc dù thu hút nhiều nhà khoa học tham gia nhưng không thu được kết quả, bởi còn có nhiều ý kiến phản biện trái chiều, không công nhận Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.
Vì thế, trong bản kết luận hội thảo, GS Vũ Khiêu cũng chỉ đưa ra kết luận chung chung: “Thân phụ của Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ là ai vẫn còn là một tồn nghi. Cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa, không chỉ nghiên cứu ở trong nước mà còn phải nghiên cứu cả ở nước ngoài mới mong giải đáp được câu hỏi này”.
Cũng thật hiếm có một cuộc hội thảo khoa học nào ở VN đặt tên cho “nhân vật lịch sử”, trở thành câu chuyện hài hước trong giới sử học, khiến nhiều người thoạt nghe đã cảm thấy buồn cười.
Một số ý kiến cho rằng, tên gọi Trần Hoàng Nghị là đúng, tỏ rõ là họ nhà vua, nhưng GS Vũ Khiêu phản bác lại quan điểm này và cho rằng: “Nếu gọi là Trần Hoàng tức là vua Trần. Tên Trần Hoàng Nghị không thể hiểu theo nghĩa đó. Theo tôi, chữ Hoằng Nghị là chính xác hơn, vì Hoằng có nghĩa là rộng lớn, cao cả”. (Sách Hoằng Nghị đại vương- Nhà xuất bản thế giới, năm 2007, trang 367).
Thế là, cái tên Trần Hoằng Nghị được thư ký hội thảo đưa vào biên bản, trở thành cái tên chính thức kể từ thời điểm đó cho đến nay.
Thật là lố bịch. Bởi con người ta khi sinh ra đã được bố mẹ đặt tên cho, làm sao có chuyện chờ đến hơn 800 năm sau mới có một cuộc hội thảo và mới được các nhà sử học Việt Nam đặt tên cho (?).
Đó là chưa nói đến sự phi lý thân phụ của một vị quan đứng đầu triều Trần, dưới 1 người, trên muôn vạn người như Trần Thủ Độ phải chờ đến 800 năm sau mới được hậu thế xây dựng đền thờ (???).
Chỉ riêng các chi tiết này có thể hiểu được “nhân vật lịch sử” Trần Hoằng Nghị là thực hay giả. Thế nhưng, một số nhà sử học, trong đó có người có học hàm, học vị cao, có người có chức sắc, từng là đại biểu Quốc hội vẫn bất chấp luân thường, đạo lý, coi nhẹ chức trách, nhiệm vụ được giao và quên mất nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của mình là phải bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc và bảo vệ lịch sử vương triều Trần.
Cho dù họ có tìm cách biến tấu, che đậy sự giả dối bằng những kỹ xảo tinh vi đến mấy nhưng cũng không thể lấp liếm được sự thật lịch sử và sự lên án mạnh mẽ của dư luận xã hội và con cháu hậu duệ họ Trần.
TB: Tôi vừa nhận được thông tin, Ban biên tập báo ANTĐ đã cho gỡ bài viết "Tri ân danh nhân lịch sử Đức Hoằng Nghị Đại vương đăng trên số báo ANTĐ ngày 10/9/2022.
Xin thông báo để bạn đọc và bà con họ Trần được biết.
16/9/2022.
21/05/2024 : | MỘT CÔNG TRÌNH TÂM LINH CÓ Ý NGHĨA |
21/05/2024 : | TỰ HÀO NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
30/03/2024 : | DẤU ẤN ĐẠI HỘI DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN LẦN THỨ III |
03/02/2023 : | KHÔNG PHẢI LÀ ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 153 |
Tổng truy cập: 1376061 |