DẤU ẤN ĐẠI HỘI DÒNG HỌ
TRẦN NGUYÊN HÃN LẦN THỨ III
Đại hội Đại biểu dòng họ Trần Nguyên Hãn (TNH) lần thứ III, (nhiệm kỳ 2024- 2029) đã thành công tốt đẹp, thể hiện sức mạnh đoàn kết và ý chí nguyện vọng của con cháu hậu duệ Trần Nguyên Hãn tiếp tục xây dựng dòng họ ngày càng phát triển, bền vững.
Đại hội lần này được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 634 năm ngày sinh của Đức Tổ trên quê hương Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước khi bước vào Đại hội, các đại biểu đã tổ chức Lễ dâng hương tại Đền thờ Tả tướng (thôn Quan Tử, xã Sơn Đông); tiếp đó dâng hoa, chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Trần Nguyên Hãn vừa được xây dựng tại quảng trường huyện Lập Thạch.
Tới dự Đại hội, có ông Trần Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc; ông Lê Quang Nghiệp, Bí thư Huyện ủy, ông Hoàng Long Biên, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, cùng đại biểu lãnh đạo chính quyền các cấp trong huyện Lập Thạch. Sự xuất hiện của lãnh đạo chính quyền địa phương thể hiện tình cảm, tình yêu đối với vị Anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn.
Đại hội rất vui mừng được đón tiếp đoàn đại biểu lãnh đạo Hội đồng họ Trần (HĐHT) VN do Trung tướng, PGS, TS Trần Đình Nhã, Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn; đoàn đại biểu HĐHT tỉnh Thái Bình do Thiếu tướng Trần Văn Mừng làm Trưởng đoàn.
Báo cáo tổng kết của Ban Liên lạc (BLL) dòng họ tại Đại hội đã phản ánh khá đầy đủ và toàn diện kết quả hoạt động theo tôn chỉ, mục đích đề ra.
Trong đó có một số kết quả nổi bật:
- Đã kết nối 5 đại tộc, gần 150 đại tông, đại chi trong toàn quốc.
- Tham gia thành lập HĐHT VN, theo đó Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát làm Chủ tịch lâm thời, ông Trần Vũ Công Sơn là Phó Chủ tịch thường trực, ông Trần Nguyên Trung là Tổng thư ký HĐHT VN.
Đặc biệt, BLL dòng họ Trần Nguyên Hãn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí và các nhà sử học kiên trì đấu tranh bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc và lịch sử vương triều Trần, đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể:
1- Đã ngăn chặn thành công âm mưu biến “Đền nhà Ông” xây dựng trái phép ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà thành di tích lịch sử họ Trần.
2- Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với nhóm ngụy sử (đứng đầu là Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội KHLS VN và PGS-TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học) trong việc tạo dựng nhân vật hư cấu Trần Hoằng Nghị, gán ghép là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ rồi đưa vào chính sử (Lịch sử VN phổ thông) để phổ biến trong Nhân dân và giáo dục trong các nhà trường.
3- Với thái độ làm việc nghiêm túc, một mặt BLL dòng họ Trần Nguyên Hãn làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan (như NXB Chính trị- Quốc gia- Sự thật và Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH VN) để trao đổi thông tin; mặt khác gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Ngay sau đó, Bộ TTTT, Viện Sử học (Viện HLKHXH VN) đã có văn bản chính thức loại bỏ nhân vật hư cấu này ra khỏi sách Lịch sử VN phổ thông.
BLL dòng họ Trần Nguyên Hãn cám ơn các cơ quan báo chí (như báo Nhân dân, báo Đại Đoàn kết, báo Nông nghiệp VN, báo Văn hóa, báo GTVT, nhà sử học Đặng Hùng…) đã tích cực vào cuộc góp phần bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc và lịch sử vương triều Trần.
“ĐẠI HỘI ĐOÀN KẾT, DÂN CHỦ, PHÁT TRIỂN”.
Đây là chủ đề chính của Đại hội Đại biểu dòng họ Trần Nguyên Hãn lần thứ III (nhiệm kỳ 2024- 2029). Tại Đại hội, các đại biểu đều nhất trí cao Nghị quyết Đại hội đề ra và danh sách đề cử BLL dòng họ nhiệm kỳ mới.
Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát được đánh giá là người có nhiều công lao to lớn đối với dòng họ Trần nói chung, BLL dòng họ TNH nói riêng.
Do điều kiện thời gian không cho phép, một số đại biểu không được phát biểu tham luận tại hội trường nhưng vẫn tranh thủ giờ nghỉ giải lao để trao đổi nhiều nội dung, trong đó có vấn đề bảo vệ chính sử họ Trần.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng nhà thờ để thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu nghĩa của con cháu, được pháp luật bảo vệ. Nhưng lợi dụng yếu tố tâm linh để mê hoặc con cháu họ Trần tin theo những điều nhảm nhí không có thực là tội lỗi với tổ tiên.
Các đại biểu không đồng tình với việc làm phi lịch sử, vi phạm pháp luật, xúc phạm tiên tổ họ Trần của ông chủ hãng bia Đại Việt hiện nay là Chủ tịch Ban chấp hành họ Trần (BCHHT) đối với tôn tộc họ Trần.
Có thể dẫn chứng một số sai phạm của ông Trần Văn Sen kể từ khi làm Chủ tịch BCHHT:
- Một là, câu kết với một nhóm nhà sử học bị biến chất, tạo dựng một nhân vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ tên là Trần Hoằng Nghị, gán ghép là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ rồi đưa vào chính sử, làm đảo lộn phả hệ họ Trần. Tự xưng là hậu duệ đời thứ 41 của Trần Thủ Độ.
Nhà sử học Lê Văn Lan đã phủ nhận, lên án nhân vật hư cấu này và đòi tống cổ nhân vật Trần Hoằng Nghị ra khỏi tất cả các tài liệu chính thống của VN.
Ông còn cho biết thêm, lịch sử vương triều Trần xác định 5 vị tổ Trần, từ cụ Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Trần Thừa, Trần Cảnh… không thể có thêm vị tổ Trần nào khác tên là Trần Hoằng Nghị. Đây chỉ là là sự bịa đặt, xuyên tạc lịch sử.
- Hai là, tự ý thay đổi ngày giỗ Tổ, không đúng với lịch sử, vi phạm quy chế, điều lệ, tôn chỉ mục đích của BLL họ Trần do cụ Thích Thanh Tứ (Trần Văn Long) làm Trưởng ban.
Theo lịch sử dân tộc và quy chế của BLL họ Trần: Ngày giỗ Tổ Trần Thừa (giỗ tứ tổ họ Trần) là ngày 18 tháng Giêng; Ngày giỗ Đức Thánh Trần là ngày 20 tháng Tám.
Kể từ khi làm Chủ tịch BCHHT, ông Sen tự ý thay đổi ngày giỗ Tổ vào ngày 14 tháng Giêng và ngày 14 tháng Tám. Tổ chức lễ đón rước linh đình tại “Đền nhà Ông” ở thôn Phương La.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 14 tháng Giêng là ngày giỗ cụ Chế Ích Hoàn, đền thờ ở xã Hồng An, cách Phương La khoảng 3km.
Cụ Chế Ích Hoàn là thân nhân trong nhóm tù binh của Chămpa bị nhà Trần bắt đưa về vùng đất này. Nhờ có giọng hát hay, múa giỏi nên cụ được vua mời dự các lễ hội, yến tiệc và được thưởng ban quốc tính họ Trần.
Trong một cuộc trò chuyện với cụ Trần Quang Đãng (85 tuổi) là hậu duệ của cụ Trần (Chế) Ích Hoàn, thuộc chi họ Trần Văn cùng với ông Trần Văn Sen ở xã Thái Phương (huyện Hưng Hà) cho chúng tôi biết: Chúng tôi tuy mang họ Trần nhưng không cùng huyết thống với họ Trần.
- Ba là, tự ý chế tác bức tượng Đức Thánh Trần có khuôn mặt y chang mình để bán, cho, tặng…xúc phạm uy danh Đức Thánh Trần.
- Bốn là, tổ chức lễ phát ấn vua Trần dởm cho người dân địa phương và con cháu họ Trần nhằm mục đích vụ lợi. Sau khi báo chí phản ánh, Cục di sản Bộ VHTTDL đã về Thái Bình để kiểm tra phát hiện không phải ấn của vua Trần mà là ấn phẩm của một nhà buôn Trung Quốc có tên Chu Thị Thượng Nguyên. Sau đó Cục Di sản đã thu hồi ấn phẩm này về Bộ.
CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG ĐỂ TRÁNH NHẦM LẪN TỔ TIÊN.
Trao đổi với chúng tôi bên lề Đại hội, Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát, Trưởng BLL dòng họ Trần Nguyên Hãn cho biết, Vương triều Trần là một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử VN. Con cháu họ Trần luôn tự hào về tổ tiên đã để lại di sản quý báu và truyền thống tốt đẹp Hào khí Đông A.
Ông cũng bày tỏ quan điểm nhất quán của HĐHT nói chung, BLL dòng họ Trần Nguyên Hãn VN nói riêng là không thể chấp nhận với mọi âm mưu và hành động bịa đặt, xuyên tạc lịch sử dân tộc và lịch sử vương triều Trần.
Theo ông, các nhà sử học chân chính của VN đều có quan điểm thống nhất không công nhận nhân vật Trần Hoằng Nghị là nhân vật lịch sử và là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.
Bộ Thông tin- Truyền thông; Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH VN đã có văn bản chính thức loại bỏ nhân vật hư cấu này ra khỏi sách Lịch sử VNPT tập 3 (do PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên).
UBND tỉnh Thái Bình cũng đã có văn bản số 1850 (ngày 13/5/2019) xác định: Thôn Phương La không phải là vùng đất lịch sử có liên quan đến vương triều Trần. Đền nhà Ông chỉ là cơ sở thờ tự của Hội đồng gia tộc họ Trần thôn Phương La, không phải di tích lịch sử đã được xếp hạng.
Tất cả các tài liệu lịch sử còn lưu giữ ở Viện Hán Nôm và tỉnh Thái Bình đều không hề nhắc đến nhân vật Trần Hoằng Nghị tồn tại trong các thời kỳ Lý- Trần. Ngôi “Đền nhà Ông” (thờ Trần Hoằng Nghị) mới xây dựng (năm 2011) không phải là “Đền thờ tổ họ Trần VN”.
Khi được hỏi về nguyên nhân của sự mất đoàn kết trong nội tộc họ Trần hiện nay, Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát chỉ rõ nguyên nhân sâu xa là do hành động xuyên tạc lịch sử, làm đảo lộn phả hệ họ Trần của ông chủ hãng bia Đại Việt, dẫn đến cuộc đấu tranh bảo vệ chính sử.
Một số lãnh đạo tâm huyết tham gia BLL họ Trần trước đây (nay là BCHHT) tự tách ra thành lập tổ chức họ Trần mới như Hội đồng Trần tộc, HĐHT VN…
Theo ông, đây là thất bại của người đứng đầu BCHHT vì không kế thừa được phương pháp làm việc khoa học và quan điểm đúng đắn của BLL họ Trần trước đây. Vì vậy, không quy tụ được sức mạnh đoàn kết của con cháu họ Trần trong xây dựng dòng họ và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp Hào khí Đông A.
Ông còn cho biết thêm: trong các tổ chức họ Trần hiện nay thì HĐHT VN do Trung tướng, PGS, TS Trần Đình Nhã làm Chủ tịch có tôn chỉ, mục đích rõ ràng để bảo vệ chính sử, bảo vệ lịch sử vương triều Trần.
Thiếu tướng tin rằng, đến một lúc nào đó, con cháu họ Trần sẽ dần quy tụ về một đầu mối như trước đây, nếu ông Chủ tịch BCHHT nhận thức rõ việc làm không đúng của mình, tự giác gỡ bỏ biển hiệu “Đền thờ Tổ họ Trần VN” trên “Đền nhà Ông”; đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị trở về vị trí ban đầu vốn có của nó là Tổ của gia đình ông Trần Văn Sen hoặc Tổ của Hội đồng gia tộc họ Trần thôn Phương La, không phải là Tổ họ Trần VN. Trần Hoằng Nghị không phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.
Đến khi đó, các tổ chức họ Trần cùng bắt tay nhau xây dựng phát triển dòng họ Trần ngày càng phát triển bền vững./.
TRẦN NGUYÊN TRUNG
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 157 |
Tổng truy cập: 1367842 |