TÌM HIỂU GỐC TÍCH HỌ TRẦN | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Lịch sử truyền thống dòng họ   /  Danh nhân nhà Trần
TÌM HIỂU GỐC TÍCH HỌ TRẦN
TÌM HIỂU GỐC TÍCH HỌ TRẦN
"Nhà Trần thống trị giang san, Trị yên trong nước, đánh tan địch ngoài". "Đời Trần văn giỏi, võ nhiều, Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiển minh". Đó là những vần thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi Nhà Trần trong bài thơ "Lịch sử nước ta". Để hiểu rõ hơn về gốc tích nhà Trần, xin giới thiệu với bạn đọc bài viết "Tìm hiểu gốc tích Họ Trần" của Thiếu tướng, Phó Giáo sư Khoa học quân sự Đào Trần Quang Cát - Trưởng Ban Liên lạc Dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam.

 TÌM HIỂU GỐC TÍCH HỌ TRẦN

Họ Trần, tộc Mân Việt dòng Bách Việt

          Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Trước kia, tổ tiên vua (Trần Thái Tông) là người đất Mân”. Đất Mân là vùng cư trú của tộc Mân Việt thuộc dòng Bách Việt.

          Người Bách Việt vốn sống từ sông Trường Giang về phía Nam. Theo nghiên cứu của học giả Đào Duy Anh, có tới 500 tộc Bách Việt sống rải rác ở Hoa Nam Trung Quốc, Miến Điện, Bắc Việt Nam, Bắc Lào, hình thành một số bộ tộc lớn: người Âu Việt ở vùng Chiết Giang- Trung Quốc ngày nay; người Mân Việt ở vùng đất Mân (tỉnh Phúc Kiến)- Trung Quốc ngày nay; người Dương Việt ở vùng Đông Hồ Nam, một phần Hồ Bắc, Giang Tây, Quảng Đông; người Lạc Việt ở vùng Tây Hồ Nam, Quảng Tây, phần Bắc và Trung Việt Nam ngày nay, người Điền Việt ở vùng Vân Nam- Trung Quốc ngày nay.

Thời Kinh Dương Vương dựng nước đặt tên nước là Xích Quỷ (tên hai ngôi sao ứng với vùng đất này), Đông giáp biển Đông, Tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên- Trung Quốc ngày nay), Bắc giáp hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam- Trung Quốc ngày nay), Nam giáp Hồ Tôn (tỉnh Khánh Hòa- Việt Nam ngày nay). Tiếp sau Kinh Dương Vương, vua Lạc Long Quân và bà Âu Cơ đã có công thu phục thống nhất dòng Bách Việt về một mối, nên Lạc Long Quân được suy tôn là “Thủy tổ Bách Việt” (Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim), bà Âu Cơ được suy tôn là “Mẫu Âu Cơ” và truyền thuyết “Bà Âu Cơ đẻ bọc một trăm trứng nở một trăm người con” có từ đấy (Bách Việt).

          Sau khi thống nhất Trung Quốc, năm 218 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng mở cuộc chiến tranh xâm lược ra các nước xung quanh, sai tướng Đồ Thư đem 50 vạn quân đi trường kỳ đánh người Việt ở phương nam. Trước sức mạnh của quân Tần, các tộc Việt lui dần về phía Nam. Năm 208 trước công nguyên, liên quân Lạc Việt, Tây Âu và các tộc Việt khác đã hợp lực đại phá quân Tần, giết chết Đồ Thư, tiêu diệt mấy chục vạn quân Tần. Tần Nhị Thế buộc phải bãi binh. Vùng đất chiếm được, nhà Tần đặt thành các quận, huyện. Đất Mân đặt tên là quận Mân Trung. Đến đời nhà Đường đặt tên là Phúc Kiến quan sát sứ, rồi sau này đổi thành tỉnh Phúc Kiến ngày nay.   

Cuốn gia phả cổ xưa nhất của họ Trần 

          Học sử Việt Nam, chúng ta đều biết năm 1285, trước sức mạnh to lớn của giặc Nguyên Mông mở cuộc chiến tranh lần thứ hai xâm lược Việt Nam, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đã khiếp sợ đầu hàng kẻ thù, được vua Nguyên là Hốt Tất Liệt phong làm An Nam quốc vương. Nhưng các anh em hoàng tộc họ Trần đã đoàn kết một lòng cùng toàn dân đánh tan quân giặc. Trần Ích Tắc trở nên vô dụng, phải về sống lưu vong ở tỉnh Hồ Nam – Trung Quốc. Đến nay, hậu duệ của Trần Ích Tắc bao gồm 18 nhánh sống rải rác ở Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương, Liễu Châu (Trung Quốc). Người hậu duệ thuộc ngành trưởng hiện giữ từ đường và gia phả họ Trần là ông Trần Đình Nhân, chủ một quán cà phê ở thị trấn Lạc Dương bên hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam-Trung Quốc). Chính sử của ta khi ghi chép về họ Trần chỉ lưu tâm đến dòng họ này từ đời nguyên tổ Trần Lý – liên quan đến việc hình thành triều đại nhà Trần, còn đời thủy tổ Trần Kinh ghi chép rất sơ sài, các đời trước nữa càng mờ mịt. Có lẽ trong những năm tháng cuối đời sống tha hương trên đất khách quê người, vốn có tài văn chương và nguồn tư liệu phong phú, nên cuốn gia phả do Trần Ích Tắc biên soạn là công phu và đầy đủ nhất về họ Trần từ năm 227 trước công nguyên.

Hơn một nghìn năm họ Trần ở đất Kinh Bắc   

          Căn cứ vào gia phả họ Trần ở Lạc Dương do thống tôn đời 27 Trần Đình Nhân còn lưu giữ được, thì gốc tích xa xưa thời chiến quốc, họ Trần thuộc nhóm tộc người Bách Việt sống ở đất Mân (Phúc Kiến- Trung quốc ngày nay). Năm 227 trước công nguyên, Phương Chính hầu Trần Tự Minh đang làm quan cho Triệu Đà (?), vì mâu thuẫn giữa người Hán và người Việt, đã theo dòng người Bách Việt di cư xuống phía Nam. Trần Tự Minh được vua An Dương Vương thu nạp, trở thành vị tướng tài ba cùng Cao Lỗ giúp chống lại Triệu Đà. Khi thành Cổ Loa thất thủ, đất nước rơi vào tay cha con Triệu Đà, Trần Tự Minh lui về sống ẩn dật ở đất Kinh Bắc, hậu duệ phân ra nhiều nhánh.

          Dựa trên nguồn tư liệu gia phả do Trần Ích Tắc viết, đối chiếu với lịch sử Việt Nam và Trung Quốc có thể hiểu: Trần Tự Minh trước kia làm tướng thời nhà Tần, giúp nhà Tần thống nhất Trung Quốc, được vua Tần phong tước Phương Chính hầu (lúc này Triệu Đà đang là một chức quan nhỏ, huyện lệnh huyện Long Xuyên thuộc nhà Tần, nên chưa thể phong tước cho Trần Tự Minh được). Sau khi thống nhất Trung Quốc, năm 218 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng đưa 50 vạn quân vượt Trường Giang xâm lược vùng Bách Việt ở phương nam. Bất bình với chính sách xâm lược, bành trướng của Tần Thủy Hoàng, Trần Tự Minh theo dòng người Bách Việt di cư xuống phía Nam, tham gia lực lượng  chống quân Tần, lập công lớn trở thành vị tướng tài ba của Thục An Dương Vương. Khi Triệu Đà đem quân đánh chiếm nước Âu Lạc, Trần Tự Minh đã cùng tướng quân Cao Lỗ giúp An Dương Vương chống quân xâm lược Triệu Đà. Con cháu Trần Tự Minh sống ở vùng Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh ngày nay).

          Dòng thống tôn đến đời Trần Tự Viễn (582-637) nổi lên như một nhân tài kiệt xuất ở xứ Giao Châu. Hồi ấy ở Từ Sơn có sư Pháp Hiền, đệ tử của Đại sư Ti- ni –đa- lưu- chi (Ấn độ) đang dụng công truyền bá đạo Phật Thiền Tông, thu nạp rất đông môn đệ. Lịch sử nhà Phật chép rằng: Sau khi Ti-ni-đa-lưu-chi tịch, sư Pháp Hiền vào Từ Sơn tập định. Thân hình ngài như cây khô, mọi vật ngã đều quên, các giống chim và thú rừng đến quấn quýt thân mật. Người người bấy giờ mộ tiếng theo học rất đông không kể xiết. Ngài bèn dựng chùa dạy học, cư tăng lúc nào cũng hơn 300 người, Thiền tông phương Nam bấy giờ là thịnh nhất.

          Chú bé mồ côi kiếm củi gần chùa lúc bấy giờ là Trần Tự Viễn được sư Pháp Hiền thu nạp, yêu mến dạy cho học thông tam giáo (Phật, Nho, Lão) và cả võ công nữa. Sau nhiều năm tu luyện, Tự Viễn trở thành môn đệ xuất sắc nhất của phái Thiền tông và cũng rất nổi tiếng võ công cao cường. Môn phái võ thuật của ông đặc sắc nhất của Phật phái Thiền tông và ông đem võ công của mình cùng phật tử giúp dân chống lại sự đô hộ hà khắc của nhà Tùy, nhà Đường. Dân khắp vùng đều sùng kính tôn ông là Phật sống. Có lẽ đây là lý do giải thích vì sao dòng họ Trần sau này rất thượng võ nhưng cũng rất sùng đạo Phật, khai sáng Thiền phái Trúc Lâm trên núi Yên Tử.

Họ Trần di cư về Thái Đường 

          Họ Trần dòng thống tôn có chữ đệm là “Tự” cư ngụ ở Kinh Bắc, truyền đến đời Trần Tự An (1010-1077) mỗi ngày thêm hiển hách trong giới võ lâm của Đại Việt. Để phân biệt với các võ phái khác, Tự An đặt tên cho võ phái của mình là  Đông A, chiết tự chữ “Trần” ra hai chữ “Đông và A” mà thành. Thời ấy ở Đại Việt có 3 phái võ nổi danh: phái võ Lĩnh Nam xuất phát từ Mê Linh, sau lưu truyền quanh vùng Tam Đảo- Ba Vì; phái võ Hoa Sơn xuất phát từ Kinh Bắc rồi lan truyền ra Thăng Long và các vùng phụ cận; phái võ Đông A của Trần Tự An. Ba phái võ trên đều tràn đầy lòng tự tôn dân tộc, nhưng có sự khác nhau về hệ tư tưởng, lại muốn thống trị giới võ lâm cả nước nên mâu thuẫn khá gay gắt. Phái Lĩnh Nam sùng bái đạo Lão, hai phái Hoa Sơn và Đông A cùng xuất phát ở Kinh Bắc, cùng theo Phật giáo Thiền tông, nhưng khác nhau về thân phận và võ thuật. Phái Hoa Sơn thuộc hoàng tộc (nhà Lý) nên lấn át phái Lĩnh Nam và Đông A về nhiều phương diện. Thế nhưng Đông A với sự dìu dắt của Trần Tự An hồi ấy có “Côi Sơn tam anh”, ba nhân vật võ công lừng lẫy là Thanh Mai, Tự Mai, Thông Mai.

          Trước khi qua đời, Trần Tự An khuyên con trai là Trần Tự Mai nên tìm cách chuyển võ đường Đông A đi một nơi khác để tránh sự xung đột với phái Hoa Sơn, có hại chung cho sự nghiệp võ lâm Đại Việt. Lúc đầu Trần Tự Mai chuyển đến ở Đông Triều, Chí Linh. Sau đó đến đời con là Trần Tự Kinh (tên nghĩa là Kình) quyết chí đi khẩn hoang ở châu thổ sông Nhị Hà. Mười năm đầu Trần Tự Kinh dựng trại ở Tức Mặc (phủ Thiên Trường, Nam Định) với hai con trai rất giỏi võ là Trần Tự Hấp và Trần Tự Duy. Về cuối đời, ông nghe theo người con trưởng là Trần Tự Hấp chuyển hẳn về ấp Thái Đường (phủ Long Hưng, Thái Bình), định cư lâu dài, có nhiều ân đức với dân trong vùng. Đến đời Trần Tự Hấp (tên nghĩa là Trắm) kế tục làm Trưởng môn phái võ Đông A, thanh thế họ Trần đã rất lớn.

          Huyền tích trong tộc phả giải thích lý do họ Trần rời Tức Mạc về Thái Đường rất ly kỳ. Sau khi vua Lý Nhân Tông chết, triều đình có sự rối ren. Một hôm Trần Tự Kinh và hai con Trần Tự Hấp, Trần Tự Duy cùng mấy chục đệ tử đậu thuyền vãn cảnh, bàn luận thế sự, Trần Tự Hấp phát hiện thấy có xác người bị đóng bè trôi sông liền sai thủ hạ vớt lên. Trong số môn đệ phái võ Đông A có Phạm Tử Tuệ giỏi về y thuật. Ông thấy xác người còn hơi ấm, kinh mạch trì bế nhưng chưa chết hẳn nên hết lòng cứu chữa theo lệnh của Trần Tự Hấp. Kẻ được cứu nạn là Đoàn Thông, quê ở lộ Hồng Châu (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Ông ta bị một viên quan gian ác ở Thăng Long là Nguyễn Cố sát hại. Vốn là thầy địa lý có tiếng tăm, Đoàn Thông báo với Trần Tự Hấp rằng ở vùng Thái Đường có khu đất tụ nhiều linh khí. Nếu đặt mộ tổ vào đó ắt có ngày sẽ phát đế vương. Trần Tự Hấp nghe xong cả mừng, xin cha cho đi gấp về Đông Triều chuyển mộ cụ cố Trần Tự Mai về đặt ở Thái Đường, rồi chuyển gia quyến về đó sinh sống để tiện trông coi phần mộ. Nhờ vậy, gia tộc họ Trần mỗi ngày thêm phát đạt, võ môn Đông A càng thêm hưng thịnh, thu hút nhân tài khắp nơi về tụ hợp.

          Trần Tự Hấp ở đất Thái Đường sinh ra Trần Lý. Trần Lý lại sinh ra các con Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung, Trần Thị Tam Nương. Người em Trần Tự Hấp là Trần Tự Duy ở đất Lưu Xá bên cạnh sinh ra Trần Thủ Huy. Thủ Huy sinh ra Trần Thẩm (tước An Quốc vương) và Trần Thủ Độ. Như vậy nếu xét từ đời Trần Tự Kinh thì Trần Tự Hấp thuộc ngành trưởng, Trần Tự Duy thuộc ngành thứ. Đến đời Trần Thừa và Trần Thủ Độ là quan hệ anh em cùng họ nhưng khác ngành, đã sang đời thứ tư. Đó là lý do mà Trần Lý hứa gả Trần Thị Dung cho Trần Thủ Độ. Theo luật tục họ Trần thì cách ba đời là thông gia với nhau được.

Họ Trần khởi nghiệp

          Sách Trần Nhân Tông viết: Trần Thủ Huy vốn một trang nam nhi tuấn tú và dũng mãnh. Gặp người bị nạn, Thủ Huy đã ra tay cứu giúp. Không ngờ người đó lại là vị Thái tử nhà Lý tên là Lý Long Xưởng, con vua Lý Anh Tông. Thái tử mang ơn kết tình huynh đệ với Thủ Huy. Thủ Huy giúp Lý Long Xưởng dẹp loạn trừ gian trong hoàng tộc nhà Lý nên được vua Lý gả công chúa Đoan Nghi, trở thành phò mã có quyền, có chức trong triều đình. Về sau, vì nghe lời dèm pha, vua Lý đã đày Trần Thủ Huy và công chúa Đoan Nghi đi sứ phương xa tận nước Kim, nước Liêu (thuộc Mông Cổ ngày nay). Công chúa Đoan Nghi sinh ra Trần Thủ Độ ở bên đó. Khi đã trưởng thành, Trần Thủ Độ trở về Đại Việt, sống với bác là Trần Lý, góp phần khởi nghiệp nhà Trần.

          Lý Long Xưởng vì có tội với vua cha, bị truất xuống làm thứ dân. Em là Lý Long Trát được nối ngôi vua hiệu là Lý Cao Tông. Lý Cao Tông chơi bời vô độ, không quan tâm chính sự, đất nước đói kém, cướp bóc như ong, các bè đảng nổi lên chiếm cứ các vùng tìm cách cướp ngôi vua. Vua phải chạy lên vùng Quy Hóa (vùng núi thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay), Thái tử Sảm chạy về Hải Ấp (nay là Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Thái tử Sảm thấy Trần Thị Dung, con gái Trần Lý có nhan sắc bèn lấy làm vợ, phong cho Trần Lý tước Minh Tự, phong cho Tô Trung T, em vợ Trần Lý làm Điện Tiền chỉ huy sứ. Cha con Trần Lý, Trần Thừa, Trần Tự Khánh đều hết lòng thờ vua nhà Lý. Thái tử Sảm nối ngôi cha, hiệu là Lý Huệ Tông. Lý Huệ tông không có con trai, lại bị bệnh tâm thần nên truyền ngôi cho con gái là Lý Phật Kim, thường gọi là Lý Chiêu Thánh hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi vua cho chồng là Trần Cảnh hiệu là Trần Thái Tông. Triều đại nhà Trần bắt đầu từ đấy.

 

                                                                         ĐÀO TRẦN QUANG CÁT

 

 Tài liệu tham khảo và trích dẫn: Đại Việt sử ký toàn thư; Việt Nam sử lược-Trần Trọng Kim..;. Lịch sử Trung quốc từ thượng cổ đến nha phiến chiến tranh-khu học xá trung ương Trung Quốc xuất bản,1955; Sơ lược lịch sử Trung Quốc- nhà xuất bản ngoại văn Bắc kinh, 1963; Sử ký Tư Mã Thiên... Đâu là nơi phát tích của dòng họ Trần và phái võ Đông A, tác giả Vũ Ngọc Tiến- báo Văn nghệ số 7 (2248) ngày 15-02-2003; Sách truyện lịch sử “Phật Hoàng Trần Nhân Tông”, tác giả Trần Trương, nhà xuất bản Văn hóa- thông tin 2009.

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 154
Tổng truy cập: 1385455
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ