BÁO CÁO CỦA BAN LIÊN LẠC DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN
TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU DÒNG HỌ LẦN THỨ II
Ngày 25 tháng 02 năm 2017.
Kính thưa các vị đại biểu!
Kính thưa bà con, cô bác, đại diện các họ, tộc họ, hậu duệ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn!
Kính thưa toàn thể Đại hội!
Hôm nay, trong dịp giỗ Đức Tổ Trần Nguyên Hãn, chúng ta họp mặt tại đây, vùng địa linh nhân kiệt, nơi đã sinh ra Người, mang chí diệt thù cứu nước, cứu dân, lập công đầu đánh tan giặc Minh xâm lược, giành lại độc lập cho non sông đất nước.
Chúng ta họp Đại hội đại biểu dòng họ Trần Nguyên Hãn nhiệm kỳ II trong niềm vui chung của toàn Đảng, toàn dân mừng Đại hội đại biểu Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 12 thành công rực rỡ, mừng bầu cử đại biểu Quốc Hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp kết quả tốt đẹp. Nghị quyết Đại hội đang được triển khai mạnh mẽ.
Dòng họ Trần Nguyên Hãn thành lập đến nay đã được 5 năm. Buổi đầu sơ khai còn nhiều trắc trở nhưng đã đứng vững và có đà phát triển. Tôi rất vui mừng được thay mặt Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam báo cáo trước Đại hội tình hình hoạt động của dòng họ trong nhiệm kỳ I và phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ II. Trước khi vào báo cáo, tôi xin phép thay mặt Thường trực và Ban Liên lạc dòng họ gửi tới các vị đại biểu và toàn thể Đại hội lời chào trân trọng, sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi trên mọi mặt.
Cũng trong dịp này, tôi xin thay mặt Ban Liên lạc dòng họ tỏ lòng biết ơn sâu sắc và ghi nhận công lao họ Trần Sơn Đông, cái nôi của dòng họ Trần Nguyên Hãn suốt 600 năm qua đã luôn bám sát, trông coi đền thờ, đảm bảo cúng tế Đức Tổ không dứt, đồng thời là chốn đi về để họ Đào Trần Minh Nông gìn giữ sự gắn bó với quê hương, cội nguồn đất Tổ trong cả quá trình lịch sử. “Ông Lý Quýt, ông Đồ La” là hai cái tên thân thương mà họ Đào Trần Minh Nông luôn nhắc đến những năm trước và sau Cách mạng tháng Tám. Năm 2012, lại làm trụ cột tổ chức Đại hội dòng họ thành công, lập nên Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn, tạo điều kiện cho con cháu hậu duệ của Người hội tụ về một mối và chúng ta có cuộc họp mặt đông vui ngày hôm nay. Xin chúc họ Trần Sơn Đông, dù còn nhiều khó khăn vẫn tiếp tục phát huy được vị trí dẫn đầu trong dòng họ.
I. TÌNH HÌNH XÂY DỰNG DÒNG HỌ NHIỆM KỲ I
Nhìn lại các mục tiêu của chương trình hoạt động do Đại hội đại biểu lần thứ nhất của dòng họ đề ra, chúng ta vui mừng thấy đã đạt những thành tựu đáng kể :
1- Thành lập dòng họ Trần Nguyên Hãn là một mốc son sáng chói của con cháu hậu duệ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, là sự hồi sinh của một dòng họ bị cảnh chìm nổi ngay từ buổi đầu. Chúng ta đã tránh được nguy cơ bị hòa tan mất dòng họ. Điều nổi bật mà chúng ta ai cũng thấy là việc con cháu hậu duệ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn đã đứng lên thành lập nên dòng họ của mình. Việc ấy có ý nghĩa lớn lao biết chừng nào. Ngoài họ Trần Sơn Đông, họ Đào Trần Minh Nông, là hai họ vốn giữ được liên lạc từ xưa, năm 1990, họ Trần Pháp Độ tìm được về đất Tổ Sơn Đông, còn lại một số bà con các họ, tộc họ khác không tìm được cội nguồn nên đã đăng ký sinh hoạt chung vào Họ Trần Việt Nam. Một số tộc họ, do đọc nhầm vào các tài liệu không chính thống nên đã nhận mình là hậu duệ Trần Hưng Đạo, còn một số tộc họ nữa thì cứ tự lập một mình, tự động viên mình là con cháu Trần Nguyên Hãn nhưng không biết Tổ mình là người như thế nào, quê cha đất Tổ, cội nguồn ở đâu. Sáu trăm năm lưu lạc, mai danh ẩn tích, anh em cùng huyết thống cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhau mà không biết nhau. Tộc họ ở hai làng kề nhau mà không nhận ra nhau. Nguy cơ bị hòa tan, mất dòng họ đã rõ ràng. Nếu không có dòng họ thì không biết rồi đây sẽ ra sao. Các cụ xưa có câu: “Anh em đánh nhau sứt đầu mẻ trán mà vẫn không nhận ra nhau”. Ngày nay, dòng họ đã có Ban Liên lạc làm trung tâm kết nối, con cháu các nơi dần dần tìm về. Một dòng họ đã hồi sinh và đang có đà phát triển. Dòng họ ấy có truyền thống “Hào khí Đông A” ba lần đánh tan quân giặc Nguyên Mông, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng đất nước cường thịnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Dòng họ ấy có Đức Tổ là vĩ nhân, anh hùng dân tộc, được nhà vua vinh danh “Khai quốc nguyên huân”, đánh tan giặc Minh xâm lược, xây dựng nên một triều đại mới, làm vẻ vang đất nước, vẻ vang giống nòi. Chúng ta tự hào là con cháu hậu duệ của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, tự hào là con cháu dòng họ Trần Nguyên Hãn.
2- Nhiệm vụ trọng tâm của dòng họ trong nhiệm kỳ I là kết nối, hội tụ dòng họ về một mối. Đến nay, chúng ta đã tập hợp được 4 họ cơ bản là họ Trần Sơn Đông tổ họ là Trần Nguyên Hữu; họ Đào Trần Minh Nông, Tam Nông, Vĩnh Tường tổ họ là Trần Đăng Huy, cải là Đào Đăng Huy; họ Trần Quảng Xương nay là họ Trần thành phố Thanh Hóa tổ họ là Trần Trung Khoản, họ Trần Thanh Nghệ Tĩnh tổ họ là Trần Pháp Độ. Họ Trần Pháp Độ có tộc họ cành trưởng là họ Cao Trần Nam Định, nay đã kết nối thêm được tộc họ Trần Phước ở Duy Xuyên- Quảng Nam tổ họ là Trần Phước Thiện, tộc họ Trần – Văn Bân ở xã Mỹ Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi tổ là Trần Bảo Tín, con trai thứ tư của tổ Trần Pháp Độ. Toàn dòng họ đã chắp nối liên lạc được 112 chi họ trong đó có nhiều chi họ lẻ phân tán ở nhiều nơi về sinh hoạt dòng họ.
Thường trực Ban Liên lạc đã củng cố, tổ chức lại hoạt động có nề nếp Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Hà Nội. Họ Trần Sơn Đông có chi họ Phúc Tâm đã tìm liên lạc được các bộ phận nhỏ ở xa, có nơi đã thay đổi họ về sinh hoạt, hoàn chỉnh được gia phả chi họ liên tục từ 600 năm cho đến ngày nay.
3- Đã tìm hiểu làm rõ một số vấn đề lịch sử thiết yếu của họ Trần và dòng họ Trần Nguyên Hãn mà nếu không kịp thời thì dòng họ ta sẽ mãi mãi bị những thông tin mơ hồ làm chúng ta hiểu sai về lai lịch, truyền thống của tổ tiên ta. Một số điều đã được xác minh làm rõ là:
a) Về nguồn gốc lịch sử họ Trần Việt Nam, đã dựa theo gia phả do Trần Ích Tắc viết, chỉnh lý lại theo lịch sử Trung Việt để đảm bảo chính xác.
b) Về Đức Tổ Trần Án, thân sinh Đức Tổ Trần Nguyên Hãn, đã về tại quê làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây cũ xác minh được rõ tổ Trần Án là con trai của Chương Túc Quốc Thượng hầu Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán, không phải là Trần Thuần Đức đổi tên. Trần Nguyên Hãn và Trần Thuần Đức là hai anh em con chú, con bác, đều là cháu nội Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán.
c) Về thời điểm được minh oan của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, làm rõ được là năm Diên Ninh thứ hai vua Lê Nhân Tông (1455). Đại Việt thông sử, Liệt truyện quyển bốn, do Lê Quý Đôn soạn, phần Chư thần truyện viết:
Số 9- “Trần Nguyên Hãn: triều Nhân Tông, năm Diên Ninh thứ 2 (1455), nhân đại xá, nhà vua thương ông vô tội, ban chiếu trả lại ruộng nương, của cải, để biểu dương người có công lao cũ”.
d) Về dòng dõi Tả tướng quốc, có người dựa vào “Trần gia ngọc phả” và các thông tin sai lệch, nhất là trong bản tham luận của Lê Kim Thuyên tại hội thảo khoa học về Trần Nguyên Hãn năm 1988 nói Trần Nguyên Hãn là hậu duệ của Trần Hưng Đạo, nhưng qua đối chiếu với Đại Việt sử ký toàn thư và các sách lịch sử khác thì đây là sự nhầm lẫn. Văn bia tại đền thờ Trần Quang Khải do chính Tổ Trần Quang Khải viết nói rõ: Phu nhân là công chúa Phụng Dương con gái của Trần Thủ Độ (không phải Ứng Thụy công chúa con của Lý Chiêu Hoàng) sinh được 7 người con, Trần Đạo Tái là con thứ hai, (không phải là con Trần Hưng Đạo như Trần gia ngọc phả viết), Sơn Tây chí ở viện Hán Nôm viết: “Trần Hãn, Tư đồ Trần Nguyên Đán chi hậu” không phải là “Trần Hưng Đạo vương chi hậu” như Lê Kim Thuyên nói.“Đại Nam nhất thống chí” chính thức ghi rõ: “Trần Nguyên Hãn, người Sơn Đông, hữu học thức, tinh binh pháp, dòng dõi Trần Quang Khải”.
Những điều trên đây đều đã dược đăng tải trên Bản tin “Khí phách Rừng Thần” để phổ biến đến bà con dòng họ. Trên mạng Internet cũng đã thấy chỉnh lại theo những điều trên đây.
4- Tổ chức tìm về cội nguồn Tả tướng quốc và họ Trần Việt Nam. Đã tìm hiểu rõ cội nguồn và các di tích lịch sử của Tả tướng quốc ở vùng Sơn Đông, Rừng Thần, đền thờ Tổ Trần Quang Khải ở thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành, Nam Định, đền thờ Tổ Trần Nguyên Đán ở núi Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương.
Đã tổ chức 3 cuộc hành hương về đền thờ Thái Tổ Trần Thừa, Cung Thiên Trường – Tức Mặc ở thành phố Nam Định; về nơi phát tích nhà Trần ở làng Tam Đường, xã Tiến Đức, đền thờ, lăng mộ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung và Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; về đất khởi đầu lập nghiệp của nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh và về khu Côn Sơn – Kiếp Bạc, nơi có đền thở Tổ Trần Nguyên Đán, đền thờ cụ Nguyễn Trãi, đền thờ Tổ Trần Nguyên Hãn, đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo. Ngoài ra còn đi thăm di tích thành Xương Giang cũ.
Sau khi dòng họ Trần Nguyên Hãn được thành lập, nhiều họ, tộc họ, chi họ đã tu sửa, xây dựng nhà thờ mới. Thường trực Ban Liên lạc đã thay mặt dòng họ đi dự và chúc mừng lễ khánh thành nhà thờ các tộc họ lớn: họ Đào Trần Hùng Đô, họ Đào Trần Quang Húc, họ Trần Quang Lộc Thanh Hóa, họ Cao Trần Nam Định, họ Trần Phước Quảng Nam, họ Trần Pháp Độ Phú Hữu, đi lễ viếng đền Trần Bảo Tín ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh để nghiên cứu việc kết nối họ Trần Văn Bân – Quảng Ngãi. Còn nhiều nhà thờ mới của các chi họ vì ở xa không có điều kiện đến dự.
Thường trực Ban Liên lạc cũng đã tìm hiểu ngày giỗ và thay mặt dòng họ đi lễ giỗ các tiên tổ dòng họ: Thái tổ Trần Thừa ở đền Vạn Khoảnh, Nam Định, Đức vua Trần Thái Tông ở Cung Thiên Trường Tức Mặc. Đồng thời đi dự lễ giỗ của các họ trực thuộc: họ Trần Sơn Đông, họ Đào Trần Minh Nông, họ Trần thành phố Thanh Hóa, họ Trần Pháp Độ Nghệ An, dự ngày giỗ chính họ Trần Phước ở Quảng Nam, Đây là những dịp gặp gỡ để trao đổi tin tức và thông cảm lẫn nhau.
5- Tri ân Đức Tổ. Bằng cả tấm lòng hậu duệ, con cháu các nơi đã công đức, đóng góp 121.240.000đ, dòng họ đã tổ chức dự đại lễ cầu siêu Tả Tướng quốc, đóng một bộ kiệu rồng bát cống dâng lên Người và cùng Ban Quản lý đền lập 2 ban thờ Phụ Mẫu và Phu nhân Tả tướng quốc. Chi phí toàn bộ còn dư 18.951.000đ bổ sung cho quỹ hoạt động.
6- Tuyên truyền phổ biến giúp bà con hiểu biết sâu hơn về nguồn gốc tổ tiên, truyền thống dòng họ và họ Trần. Tuy mới mẻ, còn nhiều khó khăn nhưng với tâm nguyện cung cấp nhiều thông tin chính xác về dòng họ và họ Trần cho bà con. Dòng họ đã mở được trang tin Internet “Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn” và ra bản tin “Khí phách Rừng Thần” mỗi năm hai kỳ, chuyển tải những kiến thức cơ bản và thông tin nhanh các sinh hoạt dòng họ đến bà con. Đây là một thành công lớn của dòng họ mà thông thường phải từ 5 năm đến 10 năm mới thực hiện được, nhưng bằng nỗ lực lớn, với quyết tâm cao của Thường trực Ban Liên lạc nên chỉ trong 2 năm dòng họ ta đã thực hiện được. Đến nay, trang tin điện tử đã có 490.000 lần người đọc. Nhiều nơi đã liên hệ về tìm dòng họ. Bản tin Khí phách Rừng Thần được gửi đến các ủy viên Ban Liên lạc và một số chi họ có liên lạc. Trang tin điện tử và bản tin dòng họ là sợi dây liên lạc để bà con ta trao đổi tâm tình, truyền đạt hiểu biết cho nhau làm cho dòng họ ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau.
7- Thực hiên các chế độ, tạo sự gắn bó trong dòng họ:
a) Thực hiện chế độ mừng thọ nội bộ dòng họ với các bậc cao tuổi 85, 90, 95, 100, và trên 100. Đến nay đã mừng thọ được 436 cụ, trong đó mừng đại thọ tuổi 100: 16 cụ, mừng thượng thượng thọ tuổi 95: 76 cụ, tuổi 90: 174 cụ, mừng thượng thọ tuổi 85: 170 cụ. Tuổi già được vui cùng con cháu thật đáng quý.
b) Thực hiện tôn vinh khen thưởng kịp thời những gương tích cực hoạt động nổi bật trong dòng họ: 3 cá nhân là bà Trần Thị Hưng, tộc họ Tăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, ông Đào Trần Khắc Khê, ủy viên Ban Liên lạc họ Đào Trần Quang Húc, ông Trần Quốc Vỵ, ủy viên Thường trực thuộc họ Trần Sơn Đông phụ trách khu vực thành phố Vĩnh Yên, 6 họ và chi họ gồm họ Trần Trung Khoản, họ Đào Trần Quang Húc, họ Đào Trần Minh Nông, chi họ Tăng Thành, họ Cao Trần và chi nhánh Hà Nội, chi họ Vân Nam xã Khánh Thành Nghệ An. Ngoài ra, kịp thời khen thưởng cháu Trần Văn Cường thuộc tộc họ Trần Lê xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đỗ Thủ khoa, Á khoa hai trường đại học lớn. Mong rằng rồi đây chúng ta sẽ có nhiều cá nhân và tộc họ được tôn vinh hơn nữa.
c) Thực hiện thăm hỏi, phúng viếng đối với các ủy viên Thường trực, ủy viên Ban Liên lạc, ủy viên Hội đồng trưởng lão và tứ thân phụ mẫu, các nơi đều làm chu đáo. Trường hợp ở xa, có điện thăm hỏi, chia buồn.
Nhìn chung, nhiệm kỳ I dòng họ đã thực hiện đạt kết quả tốt nhiệm vụ trọng tâm là kết nối dòng họ, góp phần làm sáng danh Đức Tổ và dòng họ trên cả nước, xây dựng nên các chế độ sinh hoạt gắn kết nội bộ.
Đề nghị Đại hội nhiệt liệt chúc mừng những thành công của dòng họ ta trong nhiệm kỳ mở đầu vừa qua.
Đạt được những điều trên đây là nhờ có sự đồng tâm và hưởng ứng của đại đa số bà con trong dòng họ, của các trưởng họ, trưởng tộc, các hội đồng gia tộc, các vị trưởng lão trong toàn dòng họ. Đặc biệt là dòng họ đã cử ra được một cơ quan Thường trực tuyệt vời gồm các vị có tầm hiểu biết, có tâm đức cao vì dòng họ, không tiếc công, không tiếc sức, luôn gương mẫu dẫn đầu trong mọi việc, kể cả việc công đức tài chính để xây dựng dòng họ. Chỉ tính 20 vị trong Thường trực, đã đóng góp cho dòng họ 279.700.000đ trong đó góp cho quỹ gốc dòng họ 137.450.000đ trên tổng số 202 triệu đồng của toàn dòng họ, quỹ hỗ trợ hoạt động 36.757.000đ, quỹ Đại hội I thành lập dòng họ 44.500.000đ. Xin nhiệt liệt hoan nghênh các quý vị.
Tuy nhiên cũng còn những hạn chề như sau:
1- Nhận thức về mặt tâm linh và về mặt thực tế đối với dòng họ không thống nhất vì thế nhiều người rất hăng hái, nhiệt tình với xây dựng dòng họ nhưng cũng nhiều người thấy không thiết thực cho nên có những câu hỏi: - Vào dòng họ thì được cái gì? Góp quỹ dòng họ để làm gì? Một số người cho rằng chỉ cần chăm lo tổ gần không cần tổ xa! Xin thưa: Các cụ xưa đã nói: làm người phải có tổ và có tông. Tông là cội nguồn, là dòng dõi, là Đức Tổ khởi nguồn của chúng ta. Không có Tông thì mất gốc, khó mà phát triển tốt, như cây gỗ trôi trên dòng nước lũ, không biết cội nguồn ở đâu. Gốc của dòng họ ta là Đức Tổ Trần Nguyên Hãn. Muốn giữ gốc bền vững phải xây dựng dòng họ cho tốt. Cũng có người tính toán tham gía dòng họ thì được lợi gì, thiệt gì? Xin thưa: lợi rất lớn, nhưng không thể hiện bằng vật chất cụ thể trước mắt. Các con cháu chúng ta sẽ phát triển tiến bộ gấp 5, gấp 10 ngày nay khi có nhận thức ngày càng sâu sắc về dòng họ.
2- Hoạt động của các họ, tộc họ không đều. Chủ yếu là nơi nào trưởng họ, trưởng tộc họ hăng hái, quan tâm công việc họ, công việc dòng họ đồng đều thì mọi việc đều trôi chảy, nơi nào chỉ quan tâm đến địa phương hoặc không gắn công việc họ, tộc họ với công việc dòng họ thì đều bị trì trệ. Dòng họ phát triển tốt thì các họ cũng sẽ phát triển tôt, các gia đình cũng sẽ phát triển tốt. Ngược lại thì họ, tộc họ cũng sẽ chậm phát triển. Trong hoạt động ở các họ và tộc họ, vai trò của các vị lão thành rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến thái độ và nhận thức của các con cháu.
3- Hoạt động của các ủy viên Ban Liên lạc và ủy viên Thường trực cũng chưa đồng đều. Nhiều ủy viên nêu gương tốt. Một số ủy viên ít chủ động, chưa phát huy vai trò của mình. Một số ủy viên khác không hoạt động. Vì thế hiệu quả hoạt động của Ban Liên lạc và Thường trực Ban Liên lạc bị hạn chế, chưa tạo được khí thế mạnh mẽ trong toàn dòng họ.
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế do tổ chức dòng họ là việc mới mẻ, chưa ai có kinh nghiệm, phải vừa làm vừa học hỏi, chưa kịp thời phân tích làm rõ những thông tin trái chiều có ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và thống nhất nội bộ, việc giao lưu giữa các họ, tộc họ chưa được sâu rộng để hiểu rõ nhau hơn.
Vấn đề tồn tại:
1- Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa xây dựng được một quỹ gốc đủ đảm bảo cho hoạt động của dòng họ, vì thế kinh phí hoạt động không có nguồn ổn định. Qua thực tế 5 năm hoạt động, tổng hợp thấy hàng năm dòng họ cần chi một số khoản kinh phí như sau:
1) Mừng thọ 6.000.000đ
2) Tiền thuê bảo trì cổng thông tin dòng họ: 4.000.000đ.
3) Tiền in hai số bản tin, mỗi số 500 cuốn và cước: 15.000.000đ.
4) Tiền cước bưu điện gửi tài liệu, trướng mừng thọ…: 5.000.000đ.
5) Tiền mua lễ vật, đặt lễ các nhà thờ: 5.000.000đ
Cộng: Khoảng 35.000.000đ/ năm
Trên đây là chưa tính các các khoản chi khác như Văn phòng in ấn, thăm hỏi phúng viếng, hoạt động kết nối v.v và các ủy viên đi công tác phải tự túc tàu xe, máy bay, ăn uống dọc đường... Nhìn chung, mỗi năm cần chi một khoản kinh phí tối thiểu khoảng 40 triệu đồng. Với lãi suất ngân hàng hiện nay là 6% năm, cần có một quỹ gốc ít nhất 700 triệu đồng. Hiện tại đã có 200 triệu, còn thiếu 500 triệu đồng. Khi có quỹ gốc dồi dào thì mọi hoạt động sẽ thuận lợi hơn. Nhiệm kỳ qua, vì không có quỹ, các ủy viên Thường trực phải cùng nhau công đức, ứng tiền hoạt động nên sau 5 năm còn nợ 98 triệu đồng.
2- Đăng ký thành viên dòng họ, mới làm được một số ít. Nhiều nơi không muốn làm vì chưa thấy tác dụng cụ thể.
Bất cứ tổ chức nào khi thành lập cũng phải có danh sách thành viên và lập quỹ hoạt động. Không có danh sách, không hiểu các thành viên thì không thể có chủ trương, giải pháp phù hợp để xây dựng và phát triển. Không có quỹ hoạt động thì chỉ là tổ chức trên giấy, tổ chức suông. Tổ chức ấy không còn ý nghĩa gì. Gửi một giấy mời cũng phải chi tiền cước bưu điện hơn mười nghìn đồng. Một dòng họ lớn như dòng họ chúng ta có nhiều việc phải làm.
II. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ II
Phương hướng của dòng họ trong nhiệm kỳ mới là “Củng cố và phát triển dòng họ vững mạnh tạo nền móng cho con cháu chúng ta ngày càng có nhiều người tiến lên giành những điểm cao mới”.
Nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ II là củng cố tổ chức dòng họ, xây dựng nề nếp hoạt động, tạo sự gắn kết nội bộ dòng họ trong từng chi họ và trong toàn quốc.
Những công việc chủ yếu cần nỗ lực thực hiện gồm:
1- Củng cố, nâng cao hiệu lực hoạt động của Ban Liên lạc và Thường trực Ban liên lạc, Hội đồng gia tộc các họ và tộc họ. Xây dựng dòng họ Trần Nguyên Hãn Hà Nội thành tổ chức trung tâm, hậu bị cho Ban Liên lạc dòng họ.
2- Các họ, tộc họ tiếp tục tìm liên lạc kết nối các chi, cành, nhánh còn lưu lạc vì nhiều lý do chưa tìm về sinh hoạt họ để hoàn thành kết nối trong nội bộ các họ.
3- Các họ, tộc họ, chi họ hoàn chỉnh gia phả từ dưới lên nối tiếp với các gia phả chữ hán cũ đã có để chuẩn bị tổng hợp xây dựng phả của toàn dòng họ. Cần có những cuộc hội thảo, bàn bạc từng địa phương để làm được thống nhất.
4- Các tộc họ, chi họ thực hiện đăng ký thành viên của họ, tộc họ mình. Đây chính là cơ sở để họ, tộc họ hoàn chỉnh gia phả của mình từ dưới lên. Đồng thời dòng họ cũng dựa vào đăng ký này để theo dõi thực hiện các chế độ trong dòng họ. Trước hết nên dựa vào hộ khẩu của các gia đình để làm sẽ thuận lợi.
5- Duy trì và cải tiến tổ chức thực hiện các chế độ liên kết nội bộ dòng họ: chế độ lễ giỗ, thăm hỏi, mừng thọ, tôn vinh khen thưởng.
6- Duy trì và phát huy tốt hơn nữa trang websiter “Cổng Thông tin dòng họ” và bản tin “Khí phách Rừng Thần” của dòng họ làm cơ quan truyền bá kiến thức chính xác về dòng họ. Đặc biệt với bản tin “Khí phách Rừng Thần”, đăng tải nhiều thông tin rất quan trọng về Đức tổ, về dòng họ, về họ Trần rất cần được phổ biến rộng rãi đến bà con, nhưng do kinh phí còn hạn hẹp nên có ý kiến nêu lên là các họ, tộc họ nên đặt mua. Kể cả cước phí gửi về địa phương, mỗi chi họ mua một số 3 cuốn cần 100.000đ. Một năm 2 số cần 200.000đ. Đấy coi như tiền ủng hộ để duy trì bản tin. Nhưng trước hết, các họ, tộc họ cần có dự trù để Thường trực tổ chức in ấn được đủ số lượng gửi cho các nơi. Nếu quỹ gốc dòng họ được dồi dào thì không cần phải mua.
7- Xây dựng quỹ gốc dòng họ. Là một trọng tâm của nhiệm kỳ hai. Các họ, tộc họ đều tổ chức vận động bà con, nhất là các thành viên thành đạt trong cuộc sống phát tâm công đức, kẻ ít người nhiều xây dựng quỹ gốc dòng họ để làm cơ sở cho hoạt động lâu dài của dòng họ.
8- Xây dựng quy chế sinh hoạt lâu dài cho Thường trực và Ban Liên lạc, trước mắt xác định một số điểm như sau:
- Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban liên lạc do Đại hội I dòng họ đã quyết nghị: “ Trụ sở Ban Liên lạc chính thức đặt tại Hà Nội, trung tâm của cả nước và cũng là trung tâm của dòng họ”. Nay nghiên cứu bổ sung chế độ sinh hoạt của Thường trực và của dòng họ cho phù hợp tình hình phát triển mới.
- Hiện nay, hàng năm xã Sơn Đông tổ chức hai ngày giỗ Tổ Trần Nguyên Hãn, ngày mồng Một tháng Hai âm lịch lễ tưởng niệm ngày sinh và ngày 26 tháng Hai tưởng niệm ngày mất của Tả tướng quốc. Thường trực Ban Liên lạc thay mặt Ban Liên lạc cử đoàn về Sơn Đông dâng hương Đức Tổ. Các họ ở các nơi tự tổ chức việc dâng hương Đức Tổ. Tuy nhiên, ngày mồng Một tháng Hai là ngày giỗ truyền thống từ xưa. Bởi vậy đến ngày này (mồng Một tháng Hai âm lịch), các họ, tộc họ có nhà thờ đều nên thắp hương khấn lễ tưởng niệm Người, Phụ mẫu và các Phu nhân.
- Mỗi năm Thường trực tổ chức đi lễ giỗ tiên tổ dòng họ một lần.
Kính thưa Đại hội!
Hoạt động để phát triển dòng họ là nghĩa lớn của mỗi người với tâm đức uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên, làm rạng danh tổ tiên và chăm lo cho âm đức lâu dài của con cháu chúng ta. Xây dựng dòng họ ta thành một dòng họ vững mạnh, để con cháu ta vươn lên xứng tầm là hậu duệ của một vĩ nhân, một anh hùng dân tộc. Chúng ta cần nỗ lực xây dựng dòng họ ta để bù lại những chặng đường phải mai danh ẩn tích, chịu cảnh nghèo hèn.
Vì sự phát triển của dòng họ, vì tương lai cho con cháu, chúng ta hãy phát huy tâm đức làm người mẫu mực, dẫn đầu xây dựng dòng họ chúng ta.
Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp!
Kính chúc các đại biểu và bà con cô bác trong dòng họ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt.
Xin trân trọng cám ơn!
THAY MẶT THƯỜNG TRỰC BAN LIÊN LẠC
DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN VIỆT NAM
TRƯỞNG BAN LIÊN LẠC
Đào Trần Quang Cát
08/11/2017 : | ĐIỀU LỆ LẬP QUỸ XÂY DỰNG DÒNG HỌ |
05/03/2017 : | BÁO CÁO TÔN VINH CỦA DÒNG HỌ TẠI ĐẠI HỘI II |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 165 |
Tổng truy cập: 1363321 |