HỘI NGHỊ THƯỜNG TRỰC BAN LIÊN LẠC ĐẦU NĂM 2014 | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  HỘI NGHỊ DÒNG HỌ
HỘI NGHỊ THƯỜNG TRỰC BAN LIÊN LẠC ĐẦU NĂM 2014
Ngày 05 tháng 01 năm 2014, Thường trực Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam đã họp hội nghị đánh giá kết quả những công việc đã thực hiện được trong năm 2013 và định hướng các công việc cần làm trong năm 2014.

 NHỮNG VIỆC ĐÃ LÀM NĂM 2013

Năm 2013, dòng họ đã thực hiện được một số kết quả sau:
         1- Về kết nối dòng họ:
- Đã liên lạc được với tộc họ Trần Công Sủng (con cả của Tổ Trần Pháp Độ, cháu Đức Tổ Trần Nguyên Hãn) ở xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
- Đã kết nối được với họ Trần ở thành phố Thanh Hóa, hậu duệ của Tổ Trần Trung Khoản là con thứ 3 của bà Hai Đức Tổ Trần Nguyên Hãn. Hướng dẫn tộc họ bầu đại biểu tham gia Ban Liên lạc dòng họ, chuẩn bị dự hội nghị toàn thể Ban Liên lạc dòng họ vào ngày mồng 1 tháng Hai năm Giáp Ngọ.
- Củng cố Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Hà Nội. Bầu Ban Liên lạc mới có năng lực hoạt động, được tăng cường thêm một số ủy viên thường trực. Xây dựng dòng họ Trần Nguyên Hãn Hà Nội theo hướng làm trung tâm nòng cốt và hậu bị cho dòng họ toàn quốc.
   2- Hoạt động của các tộc họ:
- Ngày 18 tháng Giêng năm Quý Tỵ, họ Cao Trần ở Giao Tiến, Giao Thủy, Nam Định tổ chức khánh thành nhà thờ mới, rất khang trang và to đẹp.
- Tộc họ Trần Đạo Tín (con thứ hai của Tổ Trần Pháp Độ, cháu Đức Tổ Trần Nguyên Hãn) ở Hậu Lộc, Thanh Hóa đang xây dựng lại nhà thờ mới, khánh thành vào ngày 18 tháng Chạp năm Quý Tỵ.
- Họ Đào Trần ở Minh Nông, thành phố Việt Trì, Phú Thọ tu sửa lại nhà thờ khang trang hơn trước. Tộc họ đã củng cố, bầu lại Hội đồng gia tộc dân chủ từ các cành lên. Bà con trong họ rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Hội đồng gia tộc mới do ông Đào Duy Khang làm Chủ tịch.
- Họ Trần chi Phúc Tâm, thuộc họ Trần Doãn Hựu ở Phú Thị, Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc đang xây dựng nhà thờ mới quy mô hoành tráng. Tộc họ đã tổ chức kết nối các chi họ lưu tán, biên soạn gia phả kết nối liên tục từ cụ tổ Trần Doãn Hựu trở xuống đến nay.
3. Thực hiện chế độ lễ giỗ
- Ban Liên lạc dòng họ đã nắm được đầy đủ thông tin ngày giỗ của các vị tiên tổ trên Đức Tổ Trần Nguyên Hãn. Trong năm, đã cùng Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Hà Nội tổ chức đi lễ các nơi gồm: Đền Trần thờ 14 vua Trần, hành cung Thiên Trường, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Thái Tổ Trần Thừa, đền thờ Tổ Bà công chúa Phụng Dương, phu nhân Đức Tổ Trần Quang Khải ở Nam Định; Đền thờ Đức Tổ Trần Nguyên Đán, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và đền thờ cụ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Kiếp Bạc, Hải Dương.
- Cùng họ Trần ở thành phố Thanh Hóa hành hương về cội nguồn họ Trần ở xã Tiến Đức, huyện Long Hưng, tỉnh Thái Bình, nơi có mộ các vị Tổ họ Trần Việt Nam (Trần Tự Mai, Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Trần Thừa); mộ 3 vua đầu nhà Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông); mộ các hoàng hậu nhà Trần v.v...
          4. Thực hiện chế độ mừng thọ
- Lần đầu tiên, dòng họ tổ chức mừng thọ các cụ cao tuổi. Trong năm, đã mừng thọ được 78 cụ từ 90 tuổi trở lên, trong đó có 2 cụ 100 tuổi và 1 cụ 102 tuổi. Việc mừng thọ các cụ cao tuổi không chỉ để các cụ, gia đình, con cháu, họ tộc các cụ phấn khởi, mà còn tạo nên nét đẹp văn hóa, gắn bó dòng họ thêm bền chặt.
          5. Thực hiện chế độ thăm hỏi
- Đã kịp thời thăm hỏi cụ Chủ tịch Hội đồng trưởng lão Trần Đăng Dung bị tai nạn.
- Viếng hai đám tang của phu nhân Chủ tịch Hội đồng trưởng lão và con trai ông Trần Đức Lưu.
- Thăm hỏi thân nhân 2 gia đình ủy viên thường trực bị đau yếu (các ông Trần Trung Sơn và Cao Trần Bá Khoát)
6- Hoạt động của dòng họ
Năm 2013, dòng họ đã thực hiện được 3 việc có ý nghĩa to lớn:
          Thứ nhất: Tham gia lễ cầu siêu Đức Tả Tướng quốc (ngày 23/3/2013, tức 12 tháng Hai năm Quý Tỵ) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với dòng họ. Dòng họ đã có 8 đoàn đại diện bà con các họ tộc từ Quảng Ngãi trở ra về dâng hương Đức Tổ. Bà con các nơi đã góp tiền công đức được 20.800.000đ.
Thứ hai: Dòng họ cùng Ban Quản lý đền Trần Nguyên Hãn lập mới hai ban thờ Phụ Mẫu và Phu nhân Tả Tướng quốc. Hai ban thờ đã được hoàn thành nhanh chóng, làm lễ an vị vào ngày 07/8/2013, tức mùng 1 tháng Bảy năm Quý Tỵ. Ban Liên lạc đã thay mặt dòng họ đóng góp kinh phí lập hai ban thờ 26.000.000đ.
Thứ ba: Đóng kiệu Thánh bát cống dâng lên Đức Tổ trong ngày lễ sinh nhật Người vào ngày mùng 1 tháng Hai năm Giáp Ngọ (01/3/2014).
Thể hiện tấm lòng thành kính đối với Đức Tổ, tính đến ngày 30/12/2013, bà con trong dòng họ cả nước đã nhiệt tình công đức đóng góp được 84 triệu đồng để làm kiệu, trong đó có các điển hình rất tốt đẹp:
- Họ Trần thành phố Thanh Hóa chỉ trong một tháng rưỡi sau khi nhận được thông báo của Ban Liên lạc, đã gửi về Ban Liên lạc 19.550.000đ. Hầu hết bà con trong tộc họ đều phát tâm công đức, trong đó có một số người tiêu biểu như ông Trần Văn Sơn công đức 4.000.000đ, ông Trần Đức Dục công đức 3.000.000đ.
- Chi họ Trần xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, tuy kinh tế có nhiều khó khăn và ở trên địa bàn rộng (3 xã: Tăng Thành, Long Thành, Hoa Thành), nhưng bà con vận động nhau được nhiều gia đình tham gia công đức (30 gia đình), nổi bật là bà Trưởng họ Trần Thị Hưng rất tích cực đến các gia đình tuyên truyền, vận động bà con hiểu rõ ý nghĩa việc làm nên được bà con nhiệt liệt hưởng ứng.
- Họ Cao Trần ở Nam Định và chi nhánh tại Hà Nội có sự chỉ đạo thống nhất của cụ Tôn trưởng nên đã cùng chung công đức được 20.700.000đ.
- Họ Trần Phước ở xã Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam đã cử ông Trần Xuân Hùng trực tiếp gặp Ban Liên lạc tại Hà Nội trao số tiền của tộc họ và bà con công đức 12.500.000đ.
Những nghĩa cử trên đây thể hiện tâm đức của bà con. Nó có ý nghĩa lớn là đông đảo bà con trong dòng họ được trực tiếp góp phần tôn vinh Đức Tổ của dòng họ. Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh, ca ngợi tấm lòng chí thiết của bà con dòng họ với Đức Tổ.
7- Về công tác tuyên truyền
          - Đã tổ chức lập trang website thông tin của dòng họ trên mạng internet: www.donghotrannguyenhan.com.vn
Chi phí hết: Tiền thiết kế lập trang website:  12.000.000đ     
          Tiền quản trịtrang website:      6.000.000đ (6 tháng đầu năm)
          Tiền tên Miền và lưu trữ dữ liệu:  2.568.000đ
          Tiền trình bày maket nội san:     2.200.000đ
Từ tháng 6- 2013, Thường trực tự đảm nhiệm quản lý trang mạng nên giảm được mỗi tháng 1 triệu đồng.
Trang thông tin của dòng họ đã đăng tải được một số thông tin về hoạt động của dòng họ để bà con trong và ngoài nước biết.
          - Chưa xuất bản được tờ nội san số đặc biệt về việc Đại hội lần thứ nhất thành lập Ban Liên lạc dòng họ. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có đủ kinh phí. Mọi việc đã chuẩn bị xong, nhưng tiền in hết 25 triệu đồng mà qũy của dòng họ chỉ có 10 triệu đồng của bác Trần Đức Lưu công đức, nên chưa thể xuất bản được.
8- Về đăng ký thành viên dòng họ
Một số nơi đã làm xong đăng ký thành viên gửi về Ban Liên lạc gồm có: họ Trần Đạo Tín, Hậu Lộc, Thanh Hóa; chi họ Trần Sỹ, Đức Thọ, Hà Tĩnh; chi nhánh họ Cao Trần Hà Nội; họ Đào Trần Quang Húc, Tam Nông, Phú Thọ. Mong các họ khác cố gắng làm xong gửi về để Ban Liên lạc sớm thực hiện được các chế độ khác trong dòng họ.
 
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NĂM 2014
Tình hình chung dòng họ hiện nay:
- Dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam hiện nay đã tập hợp được 4 họ lớn là hậu duệ của các con Đức Tổ Trần Nguyên Hãn. Đó là: Họ Trần Nguyên Hữu (Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc); Họ Đào Trần Đăng Huy (Minh Nông, TP Việt Trì, Phú Thọ); Họ Trần Trung Khoản (Quảng Đông, TP Thanh Hóa); Họ Trần Pháp Độ (Diễn Thắng, Diễn Châu, Nghệ An). Trong số 4 họ đã kết nối, có 2 họ tương đối có hệ thống nhưng tập hợp chưa đủ và gia phả chưa hoàn chỉnh (họ Trần Nguyên Hữu và họ Trần Pháp Độ). 2 họ khác bị thất lạc mất gia phả do chiến tranh, nên chỉ ghi lại được phần hiện đại, phần trước bị mất đoạn giữa. Phần hiện đại thực chất là một chi họ cành trưởng, các cành nhánh khác đều chưa liên lạc được.
- Sự phát triển của các họ do điều kiện lịch sử khác nhau nên có sự chênh lệch về đời sống kinh tế và trí thức. Họ Trần Nguyên Hữu và họ Trần Pháp Độ sau khi được vua Lê minh oan cho Tả Tướng quốc, được sống tương đối hợp pháp ở các vùng bình yên nên có điều kiện phát triển về học vấn, nhờ đó đời sống các mặt tương đối khá. Họ Trần Nguyên Hữu ở Sơn Đông, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ phải sơ tán chạy giặc, tiếp đến khi hòa bình lập lại (1954) phải thực hiện chính sách di dân đi kinh tế mới nên họ bị phân tán ở nhiều nơi, hiện tập trung ở 2 khối lớn Tuyên Quang và Sơn Đông, Vĩnh Yên, Việt Trì. Họ Trần Pháp Độ phát triển trải dài gần hết miền Trung, hiện nay tập trung thành các tộc họ lớn ở Tĩnh Gia, Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa, ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi và một tộc họ ở Giao Thủy tỉnh Nam Định, một chi họ ở thành phố Hồ Chí Minh.
- Họ Đào Trần ở Minh Nông và họ Trần ở thành phố Thanh Hóa sống theo lối bất hợp pháp, lẩn trốn, di chuyển nhiều lần. Khi di chuyển lại tìm những nơi xa xôi hẻo lánh để khai khẩn sinh cơ lập nghiệp, nên đời sống văn hóa và kinh tế phát triển chậm hơn. Mỗi lần đến nơi ở mới, sinh sống được một thời gian thì cành trưởng lại chuyển đi. Hiện nay các chi trưởng của 2 họ này đều chỉ nắm được hệ phả khoảng 200 năm trở lại đây. Như vậy, còn nhiều cành nhánh phân tán ở những nơi đã cư trú trước đây và mang những họ khác nhau, chưa liên lạc được.
Mục tiêu phấn đấu của chúng ta là phải làm sao để kết nối đầy đủ dòng họ, làm cho dòng họ tiến lên tầm cao về mọi mặt và phát triển tương đối đồng đều xứng đáng với danh hiệu là con cháu hậu duệ Đức Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Đây là mục tiêu lý tưởng của dòng họ ta mà mọi người đều nên ghi nhận và nỗ lực phấn đấu. Cũng vì thế mà chúng ta bằng mọi cách động viên, tổ chức để xây dựng tình đoàn kết, thương yêu, gắn bó với nhau trên tình huyết thống trong toàn dòng họ.
Những việc trọng tâm trong năm 2014
1- Tổ chức Hội nghị Ban Liên lạc dòng họ
Hội nghị toàn thể Ban Liên lạc dòng họ năm 2014 tổ chức vào ngày mùng 1 tháng Hai năm Giáp Ngọ (01/3/2014) tại Hội trường thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Nhân dịp kỷ niệm 628 năm ngày sinh của Đức Tổ (1386-2014), sáng 01/3/2014, con cháu trong dòng họ tổ chức lễ dâng hương, dâng kiệu tại đền thờ Người, sau đó sẽ tiến hành Hội nghị Ban Liên lạc dòng họ.
2- Lập quỹ dòng họ.
Đền thờ Đức Tổ Trần Nguyên Hãn là đền thờ chung của cả nước. Đền thờ không do họ Trần ở Sơn Đông quản lý mà do chính quyền xã Sơn Đông lập ra một Ban Quản lý đền. Vì vậy, họ ta hoàn toàn không có một nguồn thu nào ở đền và cũng không có một nguồn hỗ trợ nào khác. Tất cả mọi chi phí cho hoạt động đều phải do dòng họ tự lo liệu.
Để dòng họ hoạt động được thì phải có quỹ của dòng họ. Quỹ của dòng họ là do công sức của bà con xây dựng nên bằng tâm đức và ý thức nghĩa vụ của mỗi người. Về cách thức đóng góp xây dựng quỹ và các nguyên tắc quản lý, chi tiêu quỹ, Ban Liên lạc đã có văn bản thông báo, hướng dẫn gửi các tộc họ, chi cành ở các địa phương để triển khai thực hiện trong năm 2014, đề nghị tất cả các tộc họ và bà con tích cực tham gia xây dựng quỹ dòng họ ngày càng phát triển.
3- Ra tờ thông tin dòng họ.
- Định kỳ 3 hoặc 6 tháng ra một bản thông tin dòng họ khoảng 8-10 trang A4 với số lượng 250-300 bản, (hiện có 15 đầu mối các họ, tộc họ với 163 chi cành) nhằm thông tin kịp thời các hoạt động trong dòng họ và tuyên truyền nâng cao hiểu biết về tổ tiên, xây dựng truyền thống và ý thức cộng đồng dòng họ. Mỗi số thông tin dòng họ chỉ hết khoảng 3 triệu đồng, trong khi in nội san phải hết 25 triệu đồng một số.
          4- Các hoạt động thường xuyên của dòng họ
1. Chuẩn bị lập Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn thành phố Hồ Chí Minh.
Ở thành phố Hố Chí Minh hiện có đủ đầu mối các họ có con em sinh sống, công tác, có đủ điều kiện để thành lập Ban Liên lạc để hội tụ bà con hậu duệ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn vào một đầu mối sinh hoạt, cùng nhau hướng về cội nguồn, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau công tác, học tập phấn đấu tiến bộ. Hiện nay đã hình thành Trù bị Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn thành phố Hồ Chí Minh do ông Trần Phước Màu là Trưởng ban.
Đề nghị các tộc họ ở các địa phương có con cháu đang làm ăn, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh thông báo để con cháu biết và liên hệ với Trưởng Ban Trù bị Ban Liên lạc theo địa chỉ: Ông Trần Phước Màu: số nhà 35, phố Tân Hải, phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. ĐT: 0908.608538.
2. Các họ tiếp tục tìm hiểu, bắt liên lạc kết nối những chi họ chưa có liên lạc.
3. Tổ chức đi lễ Tổ các ngày giỗ, Hiện có 9 đầu mối.
Đối với 4 họ lớn trong dòng họ, hàng năm Thường trực Ban Liên lạc cử đại biểu về dự lễ giỗ tổ tại các họ. Đối với Cửu huyền thất Tổ, sẽ dự lễ giỗ vào các năm chẵn.
4. Dòng họ mừng thọ các cụ từ 90 tuổi trở lên. Các tộc họ mừng thọ các cụ từ 70 đến 85 và kết hợp dòng họ mừng thọ các cụ từ 90 trở lên.
5. Thường trực Ban Liên lạc sẽ tổ chức một cuộc hành hương về đất Tổ họ Trần ở xã Tiến Đức, huyện Long Hưng, tỉnh Thái Bình vào quý 1/2014.
 
 
 
ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CỦA THƯỜNG TRỰC BAN LIÊN LẠC
Năm 2013, Thường trực Ban Liên lạc dòng họ gồm những người có tâm đức, có năng lực hành động, hết lòng vì dòng họ, đã thực hiện các công việc dòng họ giao cho với lòng nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm cao, xứng đáng với sự tin cậy của dòng họ. Năm 2014 tới, cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết hợp đồng, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu xây dựng dòng họ ngày càng phát triển, vững mạnh.
Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 153
Tổng truy cập: 1276965
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ