TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN BỊ HẠI | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Lịch sử truyền thống dòng họ   /  Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn
TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN BỊ HẠI
TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN BỊ HẠI
Nhân 585 năm ngày mất của Đức Tổ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn (26 tháng Hai năm Kỷ Dậu, 1429 - 26 tháng Hai năm Giáp Ngọ, 2014), ông Trần Phước Bình - thuộc Tộc họ Trần Phước, làng Thanh Châu, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (Họ Trần Pháp Độ, con trai thứ của Tả tướng quốc) có bài sưu tập về sự kiện nơi bến Đông Hồ năm xưa của Người.

 TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN BỊ HẠI

 

Đại Việt sử ký Bản kỷ thực lục của Ngô Sĩ Liên chép, quan Tư đồ Trần Hãn được Đại hội tháng 3/1428, lấy làm Tả tướng quốc. Đây là lần cuối cùng được quốc sử viết về ông khi còn tại thế.

Mãi đến năm Thiệu Bình thứ 1 (1434) tháng 2, năm đầu của vua Thái Tông (húy Nguyên Long), Trần Hãn được Ngô Sĩ Liên ghi chép lần thứ 2, với danh tính đầy đủ là Trần Nguyên Hãn, cũng là lần ghi chép cuối cùng trong Tam triều Bản kỷ của Ngô Sĩ Liên.

Qua nghiên cứu quốc sử tháng 2/1434, cho thấy hai vị ngôn quan Nguyễn Thiên Tích và Bùi Cầm Hồ đã thực hiện đúng chức phận vua giao. Vua Thái Tổ băng, con thứ Nguyên Long kế vị lên ngôi miếu hiệu Thái Tông, sắp đặt lại bộ máy quan lại. Hai ông đã dẫn lời di mệnh của vua cha để loại bỏ số nịnh thần. Ngô Sĩ Liên viết: 

Ngôn quan Nguyễn Thiên Tích và Bùi Cầm Hồ tâu:

Tiên đế đã có lệnh là bọn Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Lê Đức Dư tuy có tài, nhưng không được dùng lại nữa. Bề tôi có kẻ nào mưu việc phản nghịch cần phải tố cáo cũng không cho chúng được tố giác. Nếu dùng lại thì trái với lệnh của Tiên đế. Vả lại, những kẻ như bọn Hoành Bá thì còn ai dùng nữa”.

Sử thần Ngô Sĩ Liên dẫn lời Ngôn quan là căn cứ khách quan và vững chắc, làm tiền đề ghi chép trang sử minh oan cho cái chết của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo.

Ông viết:

Trước kia, Thái Tổ khi về già có nhiều bệnh, lại thêm Quận Vương (Tư Tề) ngông cuồng, bậy bạ, vua thì còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đều có công lao giúp nước, rất được người đương thời trọng vọng. Nguyên Hãn lại là con cháu nhà Trần và Văn Xảo cũng là người kinh lộ, lo rằng sau này họ có chí khác, nên bên ngoài thì đối xử theo lễ tiết hậu, nhưng trong lòng lại rất ngờ vực hai người.

Bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua, dâng sớ mật, khuyên Thái Tổ quyết ý giết đi. Nếu có ai không vui, bọn Quốc Khí liền chỉ vào họ mà bảo họ là bè đảng của hai nhà ấy, nên rất nhiều người bị xử tử và đi đày. Các quan đều sợ miệng bọn chúng không dám nói gì. Nhưng Thái Tổ biết rất rõ bọn Quốc Khí đều bọn tiểu nhân xảo quyệt, trong bụng vẫn ghét chúng. Sau này bọn chúng đều có tội, lần lượt bị đuổi đi, song lại lo chúng được dùng lại cho nên nói thế để ngăn ngừa”.

Như vậy, vào năm đầu của vua Thái Tông (1434), sự kiện Trần Nguyên Hãn bị hại đã được hai vị Ngôn quan Nguyễn Thiên Tích và Bùi Cầm Hồ nhắc đến, được Sử thần Ngô Sĩ Liên công tâm, chính trực, khẳng khái dẫn giải ghi chép khá rõ. Không ai có thể phản bác được, mặc dù năm đó vua Thái Tông không có lệnh chỉ nào chính thức minh oan cho Tả tướng quốc.

Từ những cứ liệu này, lần theo những trang sử năm Lê Thái Tổ - Thuận Thiên thứ 2 (1429), đã giúp chúng ta xác định thời gian Trần Nguyên Hãn bị hại.

Tháng giêng ngày 17, lập con cả Hữu tướng quốc Khai quận công Tư Tề làm Quốc vương, giúp coi việc nước; lập con thứ Lương quận công Nguyên Long làm Hoàng thái tử. (Tư Tề thì hư đốn, con thứ là Nguyên Long thì tuổi còn thơ).

Tháng giêng, ngày 22, ra lệnh chỉ cho văn võ đại thần nghị bàn việc lớn của nước.

Tháng 2 ngày 21, vua ra lệnh chỉ cho các tướng hiệu và quân nhân các vệ quân năm đạo rằng: “Đến ngày 27 sẽ diễn tập chiến trận thủy bộ, ai vắng mặt sẽ bị trị tội. Diễn tập xong sẽ chia mỗi vệ thành 5 phiên, 1 phiên ở lại, còn 4 phiên cho về làm ruộng”.

Đến ngày 26, tức cuộc diễn tập chưa diễn ra, vua ra tiếp lệnh chỉ cho đại thần và các quan Hành khiển: “Nếu thấy các điều lệnh của trẫm có điều gì bất tiện cho việc quân, việc nước, hoặc các việc sai dịch không hợp lý, hoặc thuế khóa nặng nề, hoặc có việc tà dâm, bạo ngược, thì tâu xin sửa lại”.

Lại ra lệnh chỉ cho các ngôn quan rằng: “Nếu thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, ngược hại lương dân, thưởng công, phạt tội không đúng, không theo đúng phép xưa, hay các đại thần, quan lại, tướng hiệu, quan chức trong, ngoài không giữ phép, nhận hối lộ, nhiễu hại lương dân, thiên tư phi pháp thì phải lập tức dâng sớ đàn hặc ngay. Kẻ nào cứ ngồi nhìn mà dung túng, chỉ giỏi trò vặt, cùng là nói hão không đâu, thì phải chiếu luật trị tội”.

Tháng 5/1429, ban biển ngạch công thần cho 93 viên (có tên Phạm Văn Xảo nhưng không có tên Trần Hãn).

Với hai lệnh chỉ của vua trong ngày 26 tháng 2, đều mở đầu bằng cụm từ: “Nếu thấy các điều lệnh của trẫm có điều gì bất tiện cho việc quân… / Nếu thấy trẫm có chính lệnh hà khắc… và có cùng câu kết: thì tâu xin sửa lại/ thì phải dâng sớ đàn hặc". Đã xác nhận vua vừa thực hiện một việc mà những người nhân đức không thể đồng tình, chính sử không chép là việc gì. Nhưng qua lời lẽ trong hai lệnh chỉ liên tiếp cùng ngày 26, như nhằm mục đích trấn an tình hình quân dân đang bất an. Lệnh chỉ ngày 21, quyết định trưng tập toàn quân tiến hành diễn tập chiến trận thủy bộ vào ngày 27, nhưng ngày 27 và những ngày sau đó không thấy sử ghi chép gì. Chứng tỏ lệnh diễn tập chiến trận đã được đình chỉ hoặc hủy bỏ trước ngày 27.

Trên cơ sở đó, nhất là tâm trạng bất thường và sự bối rối của vua trong ngày 26, đã cho phép xác định ngày 26 đã diễn ra sự kiện Tả tướng Trần Nguyên Hãn buộc phải tự trầm mình nhi tử.

Lệnh chỉ ngày 21, thực chất là phương án đối phó tình huống Trần Nguyên Hãn chống lại lệnh chỉ triệu hồi về kinh.

Ngoài những trang quốc sử đương thời, đến nay còn có các nguồn tư liệu khác viết về cái chết của Trần Nguyên Hãn:

Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú (1782 – 1840) viết:

“… Ngày 26 tháng Hai năm Kỷ Dậu (30-3-1429), Vua Lê Lợi nghe theo lời xiểm nịnh của bọn chúng, bèn sai 42 lực sĩ xá nhân đi bắt Trần Nguyên Hãn về triều hỏi tội. Trên đường về Thăng Long, thuyền đến bến Đông Hồ trên dòng sông Lô, ông ngửa mặt lên trời khấn rằng: “Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân. Nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm pha mà hại tôi. Hoàng thiên có biết xin soi xét cho”, rồi ông tự trầm mình”.

Sử làng Sơn Đông có ghi lại rằng: “Gia nhân và lính hầu của nhà ông Hãn đông và nhiều người có võ nghệ, họ rất tức tối và khuyên ông chống lại lệnh vua. Nhưng ông nói: “ … việc lớn đã thành, nay vua muốn giết ta… Ta không thể sống được với nhà vua, nhưng ta ra mặt chống lại, nhà vua sẽ viện cớ đó tàn sát giết hại hết con cháu họ Trần. Nay chỉ để mình ta và gia quyến chịu chết là hơn!.

Vua Tự Đức (1848 – 1883), ngoài việc ban Sắc thần nơi đền thờ, vua còn có bài thơ vịnh về Trần Nguyên Hãn trong bộ “Ngự chế Việt sử tổng vịnh thi tập”:

 

 

Việt vương kỳ tướng dĩ tiên tri.

Ủy chất quân môn khước bất nghi.

Khả tích biển chu tùy Phạm Lãi.

Ngũ Hồ bất đáo tại giang mi.

……………………………………

Việt vương tướng lạ, biết từ lâu

Yết kiến quân môn chẳng ngại cầu

Đáng tiếc là thuyền theo Phạm Lãi.

Ngũ Hồ không tới, tới dòng sâu.

 

         Bài dịch của Phạm Tú Châu.

 

越 王 頎 將 以 先 知

諉 郅 軍 門 卻 不 宜

可 昔 扁 舟 隨 范 賚

五 湖 不 到 在 江 湄

 

Qua những nguồn sử liệu, vua Tự Đức như thấu hiểu công lao và tấm lòng son sắt của Trần Nguyên Hãn đối với nước, với dân. Ông đã đúc kết thành thơ, sánh Trần Nguyên Hãn giúp Lê Lợi, như Phạm Lãi giúp Việt vương Câu Tiễn, chỉ khác là Phạm Lãi đã thoát chết nhờ con thuyền nhỏ trên Thái Hồ (Ngũ Hồ rộng lớn như biển cả, còn gọi Thái Hồ), đưa ông cùng Tây Thi chạy trốn, về sau mới xuất hiện, người đời gọi Đào Công. Còn Trần Nguyên Hãn vì một lòng trung hiếu, lui về chốn cũ Sơn Đông ven bờ sông Lô, làm sao có thể thoát được thân, khi vua Lê đã để bụng nghi ngờ.

Gia phả Thái Xá, dòng họ Trần Pháp Độ, con trai thứ của Người ghi:

“Vị Hồ Quý Ly soán vị, Trần thị tôn phái lưu cư các xứ, tẩu tán tha phương. Hậu Lê niên gian Trần Nguyên Hãn tùy Thái tổ thệ phục quốc thù báo gia hận, thụ phong Tư đồ Thái úy, gia tặng Tả tướng quốc. Kinh cửu niên gian hữu Pháp Độ công quán Sơn Nam dĩ thiên hoàng chính phái. Chí Lê Thánh Tôn niên hiệu Hồng Đức di cư Thanh Hóa tỉnh, Tống Sơn huyện. Hậu thiên di Hoan châu, Thái Xá xã, Phì Cam tự…”.

Một gia phả khác ghi:

Lê sơ bình Ngô, Trần hậu Nguyên Hãn tá Thái tổ phục thù. Quan Tả tướng bị trầm ngộ hại. Ngã tổ Pháp Độ công dĩ thiên hoàng chính phái “Thời cụ đối bất cảm tường sở xuất”.  Ư Lê Hồng Đức - Thánh Tông ngũ niên (Giáp Ngọ), dữ Đệ nhị nhân Thỉ tự Sơn Nam thiên Thanh Hóa trú lục niên, lưu Trưởng thứ nhị tử dữ tổ bà tại Tống Sơn huyện. Nãi huề Đệ tam nam Thiện Tính công vãng cổ Hoan tầm thiên Thái Xá xã.... 

Đôi câu đối của Trần Danh Xí nơi đền thờ Tả tướng quốc :

嵐 山 將 業 存 靈 地

瀘 水 神 心 對 義 天

Lam Sơn tướng nghiệp tồn linh địa.

Lô Thủy thần tâm đối nghĩa thiên.

Có nghĩa là: “Sự nghiệp làm tướng đất Lam Sơn còn mãi với đất thiêng này,

               Lòng trung quân của Người bầy tôi trên dòng sông Lô là có trời biết” .                    

(Trần Danh Xí, đời trên của Trần Danh Lâm bạn của nhà Bác học Lê Quý Đôn)

Thơ của Nguyễn Văn Tỉnh đại khoa triều Nguyễn viết:

Âm Hán tự:

Khai quốc nguyên huân thạch thả thuyên.

Tinh thần quán nhật thượng nguyên nhiên.

Đạn giao Bắc lỗ tàn vô địa.

Tiện thị Đông A nhất hữu thiên.

Nguyệt ảnh Lam Sơn thiên tử kiếm.

Trào lưu Lô Thủy tướng quân thuyền.

Trùng tân thế giới như kim nhật.

Thập xứ thần linh nhất mộng truyền.

 

Dịch nghĩa:

Công đầu mở nước bia đá ghi.

Tinh thần xét thấu như mặt trời mọc.

Một trận quyết chiến, giặc phương Bắc không đất chôn thây.

Công danh của họ Trần còn sáng mãi giữa trời xanh.

Thanh kiếm vua Lê như ánh trăng chiếu sáng đất Lam Sơn.

Mạn thuyền Tướng quân, sóng vỗ triều dâng trên dòng sông Lô.

Thế giới đổi mới như ngày nay.

Bến sông trầm mình ấy, còn mãi trong tâm thức người đời.

 

Với những nguồn sử liệu trên, là căn cứ xác định Quan Tư đồ, Thái úy, Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn trầm mình nơi bến Đông Hồ, trên dòng sông Lô vào ngày 26 tháng Hai năm Kỷ Dậu, tức ngày 30-3-1429 (đời Lê Thái Tổ - Thuận Thiên năm thứ 2), mà nguyên nhân là do tính đa nghi, hiếu sát của vua và sự vu cáo tiếp tay của nhóm nịnh thần.

Ngày lịch sử ấy nơi bến Đông Hồ, hơn 400 năm sau vua Tự Đức còn phải suy ngẫm, để rồi nhận ra Trần Nguyên Hãn - Phạm Lãi ngày trước. Thật đáng trân trọng biết bao!

                           Kính dâng lên Đức Tổ, nhân 585 năm ngày mất của Người.

                 (26 tháng Hai năm Kỷ Dậu/1429 - 26 tháng Hai năm Giáp Ngọ/ 2014).

                                                                                               

                                                     Sưu tập: Trần Phước Bình.

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 165
Tổng truy cập: 1367898
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ