Tả Tướng quốc vốn dòng Trần tộc
Cháu nội Ngài Chương Túc Tướng công[1]
Ngụ làng Quan Tử, Sơn Đông[2]
Hậu duệ của Đức Thái Tông triều Trần.
Thuở trời đất xoay vần điên đảo
Hồ Quý Ly quay giáo đoạt ngôi[3]
Chiến chinh loạn lạc khắp nơi
Lương dân bá tánh sống đời lầm than.
Giặc mượn cớ đưa quân xâm lược[4]
Đại Việt mình nước mất, nhà tan
Muôn dân chịu cảnh cơ hàn
Non sông ta bị ngoại bang xéo giày.
Không cam chịu đọa đày, nô lệ
Tại Lam Sơn, Lê Lợi khởi binh
Anh hùng, hào kiệt trung trinh
Phất cờ quyết diệt giặc Minh bạo tàn.
Vì Tổ quốc giang san vĩ đại
Đức Tổ cùng Nguyễn Trãi tìm theo[5]
Quản chi đường sá cheo leo
Ngày đêm vượt núi, băng đèo hội quân.
Trải bao cảnh gian truân, khốn khó
Vượt bao lần sóng gió, nguy nan
Mười năm chinh chiến kiên gan[6]
Thanh gươm, yên ngựa, Bắc–Nam tung hoành.
Vây Đa Căng, công thành thắng lợi[7]
Mở rộng đường tiến tới Nghệ An
Quân ta sức tựa sóng tràn
Trận đầu thắng lớn rền vang đất trời.
Bến Hà Khương, nơi Người bày trận[8]
Dùng phục binh, tướng Nhậm Năng thua
Tân Bình, Thuận Hóa năm xưa
Một vùng giải phóng, nắng mưa thuận hòa.
Cuộc khởi nghĩa đang đà thắng lợi
Ba quân cùng xốc tới Đông Quan[9]
Chính Người thống lĩnh thủy quân
Giong buồm thẳng tiến đến Đông Bộ Đầu[10].
Thua tan tác, giặc cầu cứu viện
Bắc triều đưa quân đến giải nguy
Từ Đông Quan đến biên thùy
Thành Xương Giang, giặc chưa quy thuận hàng.
Đức Tổ được lệnh sang phá giặc
Phải hạ thành thật gấp, kẻo nguy
Mở thông đường tới biên thùy
Phá tan thế giặc, trước khi viện vào[11].
Đức Tổ vốn lược thao tế thế
Người đã dùng diệu kế thổ công
Đào hầm ngầm vượt hào sông
Trong ngoài ứng hợp, tấn công bất ngờ.
Sau khoảng một canh giờ quyết chiến
Quân địch kia bị diệt hoàn toàn
Xương Giang chiến thắng vẻ vang
Tướng giặc tự vẫn, phá tan lũy thành[12].
Đoàn viện binh quân hùng, tướng mạnh
Liễu Thăng cùng Mộc Thạnh tiến sang[13]
Thiên la, địa võng ta giăng
Bày binh bố trận diệt quân hung tàn.
Núi Mã Yên, Liễu Thăng mất mạng
Đồng Xương Giang, giặc loạn trong vây
Giặc kia mò đến đất này
Ngựa xe tan tác, xác thây ngập đồng.
Mất cứu viện Vương Thông khiếp nhược
Xin cầu hòa để được hồi hương
Mười năm kháng chiến can trường
Non sông giải phóng, quê hương sạch thù.
Công Đức Tổ ngàn thu sáng chói
Ân đức Người chiếu rọi muôn dân
Xứng danh “Khai quốc nguyên huân”
Trung quân, báo quốc, xả thân cứu đời.
Tả Tướng quốc, chức Người được tặng
Công trạng này ngời rạng hiển vinh
Đến khi đất nước yên bình
Hưu quan còn góp sức mình giúp dân[14].
Nhưng một lũ gian thần, ác bá
Vu oan Người, gieo họa sát nhân
Sông Lô sóng cuộn, mây vần
Đông Hồ Người thác, muôn phần xót thương[15].
Trên trời cao, vầng dương thấu tỏ
Dưới đất dầy, đời rõ ngay gian
Trọn đời vì nước vì dân
Lòng trung đã có thánh thần xét soi.
Công đức ấy muôn đời vẫn tỏ
Khí phách này rạng rỡ non sông
Xứng danh con cháu Lạc Hồng
Rạng danh dòng tộc Tổ tông nhà Trần.
Nay trong buổi tiết xuân ấm áp
Trước đền thiêng xin thắp tâm hương
Dâng lên vạn thảo ngàn thơm
Lòng thành tưởng nhớ công ơn của Người.
Anh linh Tổ trên trời còn mãi
Phù nước nhà Quốc thái dân an
Cháu con dòng tộc phúc tràn
Kết đoàn xây dựng giang san mạnh giàu.
Toàn dòng họ khấu đầu kính bái
Noi gương Người mãi mãi vươn lên
Cháu con trên khắp mọi miền
Xứng danh truyền thống Tổ tiên anh hùng.
Ngày 16 tháng 02 năm 2017
CAO TRẦN BÁ KHOÁT
[1] Trần Nguyên Hãn sinh ngày mùng 1 tháng Hai năm Bính Dần (1386), là cháu nội Chương Túc Quốc Thượng hầu, Đại Tư đồ Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán và là cháu sáu đời Chiêu Minh Đại vương, Tướng quốc Thái sư Trần Quang Khải, dòng dõi vua Trần Thái Tông.
[2] Trần Nguyên Hãn sinh ra và lớn lên tại làng Quan Tử, trang Sơn Đông, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, nay là thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
[3] Năm 1400, Hồ Quý Ly truất vua Trần Phế Đế, cướp ngôi nhà Trần.
[4] Tháng 10-1406, Giặc Minh đưa chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ”, đưa 80 vạn quân sang xâm chiếm nước ta.
[5] Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi là anh em con cô, con cậu, là cháu nội và cháu ngoại của Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán. Khi biết tin Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa tại Thanh Hóa, cuối năm Ất Mùi (1415), Trần Nguyên Hãn cùng Nguyễn Trãi trốn vào Thanh Hóa tìm gặp Lê Lợi (tại Lỗi Giang - núi Điều - Lam Sơn, Thanh Hóa) tham gia nghĩa quân đánh giặc Minh.
[6] Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược do Lê Lợi chỉ huy diễn ra trong 10 năm (1418-1428).
[7] Để mở đường cho nghĩa quân tiến từ Thanh Hóa ra đánh thành Nghệ An, Trần Nguyên Hãn được giao nhiệm vụ diệt đồn Đa Căng (xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay). Tháng 10-1424, Ông đã tiến hành một trận tập kích bất ngờ, giải quyết nhanh gọn chiến trường tạo điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân tiến quân ra Nghệ An.
[8] Tháng 8-1425, Lê Lợi giao cho Trần Nguyên Hãn cùng các tướng dẫn một nghìn quân và một voi chiến vào mở vùng Tân Bình-Thuận Hóa (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay). Ông đã mưu trí tổ chức một trận mai phục nhử địch tại bến Hà Khương (phía Tây sông Gianh ngày nay), tiêu diệt đạo quân Minh do tướng Nhậm Năng chỉ huy đi chặn đánh nghĩa quân.
[9] Đông Quan là tên gọi thành Thăng Long khi xưa, Hà Nội ngày nay.
[10] Ngày 22-11-1426, Trần Nguyên Hãn thống lĩnh lực lượng thủy quân từ sông Lung Giang (sông Đáy) tiến về Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than ngày nay) đánh tan đội thủy quân địch, bắt hơn 100 chiến thuyền giặc, cắt đứt cầu nối Hà Nội - Gia Lâm, đồng thời phối hợp đập tan đạo quân của tướng Phương Chính bảo vệ vòng ngoài thành Đông Quan.
[11] Thành Xương Giang (thuộc làng Đông Nhan, xã Thọ Xương, nay là xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang) là một cứ điểm trọng yếu nhất của địch trên trục đường từ Đông Quan tới Lạng Sơn. Lê Lợi đã phái nhiều tướng đi đánh thành Xương Giang, nhưng 9 tháng vây hãm mà vẫn chưa hạ được thành. Tháng 9 năm 1427, được tin viện binh địch đã đến gần, Lê Lợi giao cho Trần Nguyên Hãn lên trực tiếp chỉ huy, với quyết tâm phải hạ được thành Xương Giang trước khi viện binh Liễu Thăng kéo đến.
[12] Đêm mồng 8 tháng 9 năm Đinh Mùi (28-9-1427), Trần Nguyên Hãn chỉ huy đánh thành Xương Giang với kế hoạch thần diệu, đào hầm ngầm xuyên vào trong thành, phối hợp các loại lực lượng tấn công tổng lực, nội công ngoại kích, bốn mặt cùng đánh. Toàn bộ quân địch bị tiêu diệt. Hai tướng giữ thành là Lý Nhậm và Kim Dận phải nhảy xuống thành tự vẫn.
[13] Ngày 26 tháng chạp năm Bính Ngọ (31-01-1427), vua Minh điều 15 vạn quân, 3 vạn ngựa chia làm hai đạo quân sang ứng cứu Vương Thông, giải vây thành Đông Quan. Đạo thứ nhất gồm 10 vạn quân, 2 vạn ngựa do Thái tử Thái bảo An Viễn hầu Liễu Thăng làm Tổng binh, tiến theo đường Quảng Tây- Lạng Sơn. Đạo thứ hai gồm 5 vạn quân, một vạn ngựa do Thái phó Kiềm quốc công Mộc Thạnh làm Tổng binh, tiến theo đường Vân Nam- Tuyên Quang.
.[15] Bọn gian thần Trịnh Hoành Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản vốn muốn hãm hại ông bèn đặt điều vu cáo, nói ông có ý làm phản. Ngày 26 tháng Hai năm Kỷ Dậu (30-3-1429), vua Lê Lợi sai 42 lực sĩ xá nhân đi bắt Trần Nguyên Hãn về triều hỏi tội. Trên đường về Thăng Long, thuyền đến bến Đông Hồ trên dòng sông Lô, ông ngửa mặt lên trời khấn rằng: “Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước cứu dân. Nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm pha mà hại tôi. Xin Hoàng thiên biết cho!” rồi ông tự trầm mình.
19/03/2020 : | TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN VÀ CÁI CHẾT OAN KHUẤT |
22/03/2014 : | TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN BỊ HẠI |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 159 |
Tổng truy cập: 1363269 |